MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những phẩm chất, kỹ năng quan trọng của người lãnh đạo công đoàn

Xuân Hùng LDO | 15/11/2023 08:51

Trong tháng 10 vừa qua, tại Thanh Hóa, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã có buổi trao đổi nghiệp vụ quan trọng với đội ngũ cán bộ công đoàn trong tỉnh. Tại đây, Phó Chủ tịch đã phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ công đoàn đồng thời chỉ ra những phẩm chất cần có của người lãnh đạo công đoàn hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, người lãnh đạo công đoàn, ngoài những phẩm chất của người lãnh đạo nói chung, rất cần những phẩm chất đặc thù.

Đầu tiên phải là người có kiến thức chuyên môn sâu sắc về công đoàn, về phong trào công nhân viên chức lao động; có hiểu biết cơ bản về hệ thống chính trị, pháp luật, doanh nghiệp và kiến thức xã hội chung. Có tầm nhìn xa và sâu rộng để nhận rõ và dự báo những vấn đề của tổ chức, vấn đề NLĐ quan tâm, các yếu tố tác động đến quan hệ lao động…

Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu khẳng định, cán bộ lãnh đạo công đoàn phải là người tự tin và kiên định. Bởi lẽ, phải tự tin để khẳng định mình trước tổ chức, tạo sự an tâm, tin tưởng cho tập thể. Phải kiên định, mạnh dạn để đưa ra các quyết định, vững vàng bảo vệ quyết định đến cuối cùng; kiên định, kiên trì bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Có thể ở lĩnh vực khác, người lãnh đạo cần tạo cho mình một trạng thái tâm lý nghiêm nghị, uy quyền nhưng với người lãnh đạo công đoàn, cần biết tạo môi trường làm việc tích cực như biết cách làm cho không khí làm việc thoải mái, vui vẻ, sáng tạo, từng cá nhân đều thấy vai trò và ý nghĩa của mình đối với tập thể.

Muốn có được những phẩm chất đó, cán bộ công đoàn cần phải biết tổ chức làm việc nhóm hiệu quả; có niềm say mê, ham học hỏi; khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh; gần gũi và thấu cảm với nhân dân, với đoàn viên, NLĐ; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể, vì lợi ích của tổ chức bởi lẽ, trong lợi ích tập thể có lợi ích của chính bản thân;…

Từ những phẩm chất đó, người lãnh đạo công đoàn phải luôn ý thức, rèn luyện các kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp linh hoạt, thuyết phục, bao gồm cả kỹ năng nói, viết, trao đổi, tranh luận, thương lượng, đối thoại… Kỹ năng giải quyết vấn đề, nhất là khi gặp tình huống khó khăn, xung đột, khủng hoảng, trong đó có giải quyết tranh chấp lao động, đình công, đối thoại, thương lượng. Kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng đường hướng, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, phân công thực hiện (xây dựng chiến lược, nghị quyết, kế hoạch, đề án, chương trình hành động…).

Trong hoạt động công đoàn, kỹ năng truyền cảm hứng và tạo động lực, nhất là khi gặp tình huống khó khăn, công việc phức tạp, cấp bách… là rất cần thiết, từ đó phát huy kỹ năng tập hợp và quản lý con người, làm cho mọi người tin cậy tham gia, làm theo; biết tôn trọng, phát huy khả năng riêng của từng người vào mục tiêu chung.

Một trong những vấn đề quan trọng của người lãnh đạo công đoàn là tránh ôm đồm vì thực tế, không ít cán bộ rất nhiệt tình, hăng say nhưng ôm đồm, gánh việc dẫn tới không thể xử lý mọi việc hiệu quả. Do đó, kỹ năng giao quyền hiệu quả, phải tìm đúng người, giao đúng việc, trao sự tin tưởng, sẵn sàng giúp đỡ là rất quan trọng.

Cuối cùng, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong thời đại hiện nay, một kỹ năng rất quan trọng là kỹ năng tổ chức sự kiện và truyền thông, quảng bá, giới thiệu về tổ chức, về đoàn viên, NLĐ để đoàn viên, NLĐ hiểu, thực hiện và để xã hội hiểu hơn các hoạt động ý nghĩa của tổ chức công đoàn, từ đó có sự đồng lòng, chung tay vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, vì mục đích phát triển chung của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn