MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt phòng trọ vắng công nhân thuê ở Khu công nghiệp Lương Sơn. Ảnh: Minh Nguyễn

Những phòng trọ vắng bóng công nhân ở Hòa Bình

Minh Nguyễn LDO | 21/11/2023 15:09

Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng khiến công việc của công nhân bị ảnh hưởng, gián tiếp làm nhiều xóm trọ gần khu công nghiệp trở nên vắng vẻ, ảm đạm...

Phòng trọ cửa đóng then cài

Những ngày giữa tháng 11.2023, PV Báo Lao Động có mặt tại Khu công nghiệp Lương Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Theo ghi nhận, hàng loạt dãy nhà trọ dành cho công nhân đang nằm trong tình trạng vắng vẻ. Nhiều phòng trọ không có người ở trong thời gian dài đã bắt đầu ẩm mốc, có dấu hiệu hư hỏng.

Các dãy nhà trọ vốn đông đúc người ra vào tại khu vực thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn nay trở nên đìu hiu, vắng vẻ; số phòng trống không người thuê tăng lên từng ngày.

Chị Ngô Thị Nguyệt (40 tuổi, chủ một khu trọ tại đây) cho hay, tình trạng ít công nhân thuê trọ đã diễn ra từ đầu năm 2023 đến nay. Có rất nhiều chủ nhà trọ đã phải đóng cửa hoặc hạ giá nhưng người đến thuê không nhiều.

Theo chị Nguyệt, nguyên nhân của tình trạng này là do các công ty, nhà máy tại Khu công nghiệp Lương Sơn ít việc làm hoặc có việc thì bấp bênh, dẫn đến các công nhân phải đi tìm việc khác hoặc chọn về quê. Hiện nay, nhà chị có 10 phòng trống, có thời điểm lên đến 30 phòng không có người thuê.

“Ít công nhân thuê trọ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của chúng tôi bởi lẽ mỗi phòng trọ đầu tư khoảng 50-60 triệu đồng, số tiền này phải vay ngân hàng hoặc người thân quen và đều phải trả lãi hàng tháng. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì không biết phải xử lý thế nào” - chị Nguyệt cho hay.

Tương tự, chị Bùi Thị Huê (42 tuổi, một chủ dãy trọ khác trong khu vực) chia sẻ - trước đây lúc cao điểm, phòng chật kín. Nhưng bây giờ thì chờ mãi mới có người đến hỏi. Làm kinh doanh nhà trọ không ai muốn rơi vào tình trạng này, trong khi tiền thu về giảm hơn trước rất nhiều nhưng chi phí cứng như điện, nước, khấu hao tài sản vẫn phải chịu.

“Khó khăn là vậy nhưng về lâu về dài, nhiều chủ phòng trọ cũng đã giảm giá nhằm giúp đỡ công nhân vượt qua gia đoạn khó khăn này” - chị Huê chia sẻ.

Công đoàn nắm tình hình để hỗ trợ công nhân

Anh Lê Văn Nam (32 tuổi, thuê trọ tại thôn Nam Lu, xã Hòa Sơn, công nhân Công ty CP Coasia CM Vina) cho hay: “Xóm trọ tôi đang ở có 34 phòng khép kín, được xây dựng vào năm 2020 còn rất khang trang. Tuy nhiên, khoảng gần nửa năm nay có rất ít người thuê trọ. Riêng tầng 2 tôi đang ở chỉ có 3/14 phòng có người thuê. Xóm trọ đông đúc trước kia ngày một thưa dần”.

Lý giải về việc dãy trọ “hiếm” người, anh Nam cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc công nhân tại công ty, doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Lương Sơn bị giảm giờ làm khiến cho một bộ phận lao động từ các địa phương khác đến đây làm phải rời đi tìm việc tại nơi khác.

Ông Đinh Quốc Thể - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình cho biết, Khu công nghiệp Lương Sơn đang có khoảng gần 40 đơn vị doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 15 nghìn lao động.

Theo ông Thể, qua nắm bắt tình hình, từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì tình trạng giảm đơn hàng, sản xuất gặp khó khăn, khiến công nhân bị giảm thu nhập, thậm chí có người mất việc làm. Việc này cũng gián tiếp làm ảnh hưởng đến các chủ phòng trọ, người kinh doanh, buôn bán tại khu vực này bởi thu nhập chủ yếu đến từ công nhân và người lao động.

Còn ông Tống Đức Chiến - Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ Lao động - Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình - cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp do thiếu đơn dẫn đến phải cắt giảm thời gian làm việc của công nhân. Tuy nhiên, qua nắm bắt thì chế độ của công nhân như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn được các doanh nghiệp quan tâm, thực hiện đúng quy định.

Theo ông Chiến, hiện Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình đang tiến hành rà soát về tình hình đời sống, việc làm và thu nhập của công nhân lao động trên địa bàn toàn tỉnh để có phương án hỗ trợ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn