MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà công nhân lao động tại Tết Sum vầy năm 2019 tại Bình Dương - sự kiện do Tổng LĐLĐVN phát động và tổ chức. Ảnh: Đình Trọng

Những trăn trở về giờ làm và giọt mồ hôi của người lao động

Minh Anh LDO | 28/01/2020 06:30

Một trong những nội dung tốn nhiều thời gian, có nhiều cuộc tranh luận tại nghị trường Quốc hội và được người dân quan tâm nhất trong năm 2019 là những vấn đề xoay quanh Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Ở nhiều cuộc thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người từng đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – đã bày tỏ những trăn trở, thấu hiểu về những tâm tư, nguyện vọng của người lao động hôm nay.

Xã hội tiến bộ thì không thể bàn chuyện tăng giờ làm

Tăng, giảm hay giữ nguyên giờ làm của người lao động là câu chuyện làm nóng Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi lẽ trước đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc đã có những phát biểu là việc tăng lương, giảm giờ làm chưa phù hợp với mức độ phát triển của Việt Nam hiện nay, người Việt đáng ra cần lao động hăng say hơn nữa,. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bình luận ngay: “Anh Lộc nói như vậy là chỉ đứng về phía doanh nghiệp”.

Đó cũng là phiên họp mà Chủ tịch Quốc hội đã “xin phép nói dài vì từng là Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đã nghiên cứu nhiều về vấn đề này ở những lần sửa đổi Bộ luật Lao động trước đây”.

Theo bà, qua rà soát lịch sử những lần xây dựng, sửa đổi Bộ luật Lao động và qua báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong những lần sửa đổi luật trước đây, quan điểm đều nhất quán là không tăng, dù nhu cầu thực tế là có thật. Và lí lẽ cuối cùng là bảo vệ hợp lí người lao động, có tính đến tác động của thị trường việc làm, lực lượng lao động, sức khỏe của người lao động... Ngay tại những thời điểm mà Luật Lao động được đặt lên bàn thảo luận, các bên cũng đã có nhiều tranh luận gay gắt giữa đại diện giới chủ và đại diện cho người lao động.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng vi phạm quy định về giờ làm thêm hiện khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhưng chúng ta chưa mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân chính ở đâu.

"Vấn đề này xuất phát phần lớn từ nhu cầu của doanh nghiệp, muốn tăng đơn hàng, muốn tăng doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê thêm người lao động. Như vậy là bóc lột sức lao động và giải pháp làm thêm giờ là giải pháp tối ưu nhất cho người sử dụng lao động. Tôi khẳng định việc này"- Chủ tịch Quốc hội nói.

"Chúng ta nhìn lịch sử Công đoàn trên thế giới đều đấu tranh nhằm tăng lương giảm giờ làm và nâng cao đời sống người lao động, cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn người sử dụng lao động luôn luôn muốn tăng năng suất cao, tranh thủ người lao động để đem lại lợi nhuận cao nhất nhưng trả lương thì hợp lí, tôi không muốn nói là trả thấp”.

Nói sâu hơn về giai cấp công nhân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong của Đảng ta, của đất nước. “Chúng ta không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà còn tạo điều kiện để cho người lao động được phát triển, được nâng cao trình độ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, xu hướng của thế giới là tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao đời sống cho người lao động”.

"Giảm giờ làm là một xu hướng tiến bộ, là mong muốn của chúng ta. Ta chưa giảm được mà còn tính tăng thêm giờ làm. Xã hội tiến bộ, phát triển văn minh mà chúng ta ngồi đây bàn tăng thời gian làm thêm cho người lao động thì phải cân nhắc cho thấu đáo. Còn quan điểm cá nhân là tôi không đồng ý"- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa đổi Bộ luật Lao động lần này cần phải trả lời câu hỏi với những quy định mới thì người lao động, người sử dụng lao động, xã hội được cái gì, quyền lợi nào của người lao động được tăng lên, quyền lợi nào của người sử dụng lao động được đảm bảo. Luật phải hài hoà lợi ích chứ không bảo vệ một phía, phải tìm được điểm cân bằng giữa bảo vệ người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Đừng bắt người lao động đổ thêm mồ hôi cho sản xuất

Tháng 10, khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội đã lắng nghe tâm tư của cử tri: “Việc đề xuất tăng giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm là rất nặng, bởi “đồng hồ sinh học của mỗi người không cho phép, dẫn đến năng suất lao động không tốt. Thay vì “vắt” sức người, các doanh nghiệp phải đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, để tăng năng suất”. Chủ tịch Quốc hội nói rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu làm thêm tăng thu nhập của công nhân là có, doanh nghiệp cũng có nhu cầu gia tăng sản xuất. Tuy nhiên, xu hướng của thế giới hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm việc. Ở đó, các doanh nghiệp phải dùng tiền để đầu tư cơ sở sản xuất, chứ không phải bắt người lao động đổ thêm mồ hôi cho sản xuất”.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được thông qua ngày 20.11.2019 với tỉ lệ 90,06% số Đại biểu Quốc hội tham dự tán thành. Đây là Bộ Luật có nhiều tiến bộ, hài hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Cho dù câu chuyện giảm giờ làm vẫn còn dang dở nhưng để giữ nguyên so với luật cũ là 48 giờ/tuần cũng được coi là những nỗ lực mà ở đó, quyền và lợi ích của người lao động đã được quan tâm khi những ý kiến để tăng thêm giờ làm của người lao động đã bị bãi bỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn