MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những trường hợp người lao động nào được làm việc không trọn thời gian?

Quế Chi (T/H) LDO | 28/03/2022 12:30

Thời giờ làm việc là một trong những vấn đề mà người lao động rất quan tâm. Pháp luật quy định như thế nào về làm việc không trọn thời gian và đối tượng người lao động nào được phép làm việc không trọn thời gian? 

Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.” 

Hiện nay, thời giờ làm việc được quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019:

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Lao động năm 2019: “Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.” Như vậy, đối tượng được làm việc không trọn thời gian có thể là bất kỳ cá nhân nào, nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận được về việc làm việc không trọn thời gian.

Ngoài ra, theo Quy định tại Khoản 2 và 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019: 

2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Đối tượng người lao động cao tuổi cũng được làm việc không trọn thời gian là người lao động cao tuổi, dựa trên quy định: “Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian”. (Khoản 2, Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn