MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Vũ vui vầy bên con sau mỗi lần tan ca. Ảnh: Thùy Trang

Niềm vui của người lao động xuyên Tết - tan ca về nhà ôm con nhỏ

THÙY TRANG LDO | 14/02/2024 14:00

Nhiều người lao động tại TP Đà Nẵng vẫn phải làm việc xuyên Tết - đó là những người lao động ở cảng, đón những chuyến hàng không nghỉ; là những lao động ngành du lịch, đón khách đến thành phố. Với họ, Tết là lúc phải làm việc nên niềm vui chỉ đơn giản là được về nhà với con cái, gia đình, nghỉ ngơi để lại chuẩn bị những ca trực Tết tiếp theo.

Làm công nhân ở cảng Tiên Sa, năm nay, anh Lê Viết Vũ (quê Quảng Nam) đón Tết cùng vợ con trong ngôi nhà mới ở Đà Nẵng. Đó là thành quả của đôi vợ chồng trẻ sau nhiều năm tích góp và là Tết đầu tiên nên cả hai vợ chồng đều háo hức.

Mặc dù không được đón giao thừa cùng vợ con vì phiên trực đúng ngày 30 Tết, nhưng anh Vũ vẫn vui. “Chúng tôi làm việc 24 giờ, nghỉ 24 giờ. Công việc này năm nào cũng vậy nhưng Tết nay có khác khi tôi đã có căn nhà mới ở Đà Nẵng. Hai vợ chồng không phải chạy xe về quê ở Quảng Nam nữa, cũng không phải về phòng trọ vắng vẻ”.

Nói vậy là bởi, những năm qua, cảnh ở trọ dịp Tết vẫn khiến anh Vũ nhắc đến với giọng buồn buồn. Cả dãy nhà trọ, ai cũng đưa vợ con về quê ăn Tết từ 26, 27 tháng Chạp. Chỉ có anh phải làm ca nên không nghỉ được nhiều ngày. Anh đành để vợ về quê ngoại ăn Tết trước. Phần mình, khi hết ca, anh chạy xe máy 2 đến 3 tiếng đồng hồ về quê thăm vợ con rồi hôm sau ngược ra lại đi làm. “Chứ ở lại phòng trọ cũng chỉ một mình, buồn lắm” - anh Vũ nói.

Tết này và nhiều Tết sau thì khác rồi, vợ chồng anh đã có thêm thành viên mới đang bập bẹ tập nói cùng tiếng cười nắc nẻ mỗi khi thấy ba mẹ về.

“Tan ca trực, có nhà để chạy về nghỉ ngơi, đưa gia đình đi chơi, ôm con vào lòng là hạnh phúc nhất với tôi rồi” - anh Vũ chia sẻ.

Lao động xuyên Tết tại Đà Nẵng còn có những nhân viên làm việc ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tết là dịp họ căng mình phục vụ khách. Chị Phạm Thảo (trú quận Sơn Trà) - nhân viên kế toán của một khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp - cho hay, năm nay, khách đặt phòng kín hết các ngày nghỉ Tết. Nhân viên khách sạn chia ca đi làm bình thường.

Nhiều lao động xuyên Tết vẫn dành thời gian đưa gia đình đi du xuân sau giờ làm. Ảnh: Thùy Trang

Có con gái nhỏ 4 tuổi, chị Thảo gửi cho ông bà ngoại. Chồng chị Thảo cũng làm công việc dịch vụ ngày Tết là chở khách đi du xuân. “Hai vợ chồng tôi bàn lịch đi làm sao cho ít nhất có 1 đến 2 ngày Tết được nghỉ để đi thăm người thân, đưa con đi chơi. Tết mà không ở nhà cũng buồn chứ nhưng vì công việc, may mắn gia đình hai bên đều thông cảm.

Chúng tôi làm ngày Tết cũng có mức thu nhập cao gấp đôi ngày thường, đó cũng là niềm vui với người lao động trong cảnh kinh tế khó khăn. Tết chỉ có vài ngày nhưng chi phí sinh hoạt thì cần hàng tháng nên tôi phân chia thời gian hợp lý thì niềm vui khi trở về nhà với con cũng nhiều” - chị Thảo cho hay.

Quả thật, trong một năm kinh tế khó khăn, có được việc làm ổn định là niềm mong mỏi lớn nhất với người lao động. Đó cũng là động lực để họ làm việc xuyên Tết, rồi sau những giờ tan ca, gia đình sum vầy cũng chẳng muộn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn