MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: T.Vương

Niềm vui lớn của hàng chục triệu người lao động khu vực công

VƯƠNG TRẦN - LƯƠNG HẠNH LDO | 22/06/2024 09:00

Thông tin về việc Bộ Chính trị đã thống nhất với chủ trương đề xuất thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1.7.2024 đem lại niềm vui cho hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) trong khu vực công. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phương án này phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước.

Mức tăng lương cao nhất trong lịch sử

Có gần 11 năm làm giáo viên tại trường THPT trên địa bàn huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội), chị Trần Thị Minh Thúy bày tỏ vô cùng bất ngờ và vui mừng với thông tin tăng lương từ 1.7 tới. Hiện tại, chị Thúy đang hưởng hệ số lương là 3,33, tính các khoản phụ cấp chị nhận lương khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng.

Trước đó, chị Thúy bày tỏ lo lắng khi giáo viên có thâm niên nghề lâu năm lại bị bỏ mất khoản phụ cấp này. Bởi, theo chị Thúy, làm việc bao nhiêu năm vẫn bằng người vừa vào làm là không hợp lý. “Vui lắm! lương cơ sở lại tăng nên thu nhập cũng sẽ tăng, từ đó, giáo viên chúng tôi có thể tự tin sống bằng lương” - chị Thúy nói.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay, nội dung liên quan tới tiền lương là nội dung nhận được sự mong chờ của hàng triệu CBCCVCNLĐ trong khu vực công. Trong đó chính sách cải cách tiền lương tác động đến hơn 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở.

Do đó, bất kỳ những nghiên cứu, chính sách nào liên quan tới tiền lương đều nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, tác động tới đời sống của CBVCLĐ trong khu vực công. Vì vậy, những phương án, chính sách liên quan tới điều chỉnh tiền lương phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng.

Không tạo ra những sự xáo trộn lớn

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng, phương án tăng lương cơ sở 30% từ 1.7.2024 đối với CBCCVCNLĐ trong khu vực công và tăng 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội là một phương án tính toán rất phù hợp trong nội dung thực hiện cải cách tiền lương.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lương cơ sở sẽ không tạo ra nhiều sự xáo trộn khi sắp xếp về tiền lương, thu nhập với đội ngũ CBCCVCNLĐ trong khi việc trả lương theo vị trí việc làm, đánh giá vị trí việc làm cần tiếp tục có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo các nguyên tắc công bằng, bình đẳng...” - ông Lợi phân tích.

Ông Lợi cũng cho rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương từng bước, thận trọng, bình đẳng để đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó một nguyên tắc rất quan trọng đó là bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bình ổn thị trường, không để giá hàng hóa tăng theo tiền lương

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - nhận định, từ 1.7.2024, việc tăng lương 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, 15% cho người nghỉ hưu sẽ giúp mức thu nhập của những người này tăng đáng kể. Khi lương tăng sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ nhiều hơn, kích thích nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội nói chung và đặc biệt là cán bộ, công nhân viên chức. Đồng thời từ 1.7.2024, nhiều khoản phí, lệ phí dự kiến sẽ giảm, thuế VAT cũng giảm 2% cho nhiều loại hàng hoá trong nền kinh tế quốc dân. Từ đó, các doanh nghiệp có thể hạ giá thành hoặc thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu, người dân cũng mạnh tay chi tiêu nhiều hơn. Tác động hai chiều thu nhập tăng, thuế phí giảm sẽ tạo động lực tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở nước ta trong thời gian tới.

“Trong nhiều năm trước, mỗi lần nói đến chuyện tăng lương sẽ xảy ra tình trạng giá cả hàng hóa sẽ “tát nước theo mưa”, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu. Giá cả hàng hóa sẽ có 2 lần tăng, thứ nhất là khi rục rịch có thông tin sẽ tăng lương; thứ hai là khi chính thức được tăng lương. Do đó dù lương tăng, thu nhập tốt hơn nhưng vẫn không đủ để bù mức hàng hóa tăng. Người dân lo lắng mỗi lần công bố tăng lương giá hàng hóa tăng là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây, hoạt động quản lý giá cả của các cơ quan quản lý Nhà nước tương đối tốt. Nguyên nhân là do lạm phát được kìm giữ ở mức ổn định. Ngoài ra, nước ta cũng có kinh nghiệm trong việc quản lý giá cả, bình ổn thị trường. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với sự vào cuộc quyết tâm của các bộ, ban, ngành và các cấp chính quyền thì hàng hóa tăng giá sẽ phù hợp với biến động của nền kinh tế chứ không phải là vì “ăn theo” tăng lương.

Tuyết Lan

Nhiều giải pháp bình ổn thị trường tại TPHCM

Gạo, thịt heo, dầu ăn, trứng gà… đang chịu áp lực tăng giá. Các doanh nghiệp cũng đang cố gắng kìm giá để kéo sức mua tại thị trường TPHCM.

Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, giá mặt hàng thịt heo và gạo trong chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã được Sở Tài chính điều chỉnh tăng vì giá bên ngoài thị trường đang ở mức cao. Tại các chợ truyền thống, nhiều mặt hàng như hải sản, trái cây, thực phẩm thiết yếu... cũng liên tục được cập nhật giá mới trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho biết, thời gian qua, thế giới có nhiều biến động, đẩy chi phí đầu vào của sản phẩm tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Do đó, chủ nhiều thương hiệu sản phẩm đã đề nghị tăng giá rau củ quả 10 - 15%, thực phẩm chế biến sẵn 10 - 20%. Tuy nhiên, do sức mua yếu, nên không riêng Saigon Co.op mà một số nhà bán lẻ khác cũng đang nỗ lực tối đa để trì hoãn việc tăng giá trong giai đoạn này.

Các doanh nghiệp khác trên địa bàn TPHCM cũng đang tìm kiếm đơn hàng, tùy cơ ứng biến, có chương trình khuyến mãi cho tất cả các hệ thống đại lý, siêu thị kịp thời để gia tăng sản lượng, kích cầu tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương TPHCM, thời điểm này nhiều doanh nghiệp đang tích cực tham gia chương trình khuyến mãi tập trung - “Mùa mua sắm “Shopping season” 2024” giai đoạn 1. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, chương trình được triển khai rộng rãi đến toàn thể doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở thành phố. Dự kiến, có gần 10.000 thương nhân tham gia với trên 55.000 chương trình khuyến mãi, với mức giảm giá hàng hóa lên đến 100%.

NGỌC LÊ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn