MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc để giữ chân người lao động. Ảnh: NT

Ninh Bình: Doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc để giữ chân NLĐ

DIỆU ANH LDO | 30/04/2022 20:50

Ninh Bình - Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca, chi trả lương, thưởng đúng thời gian... nhằm thu hút và giữ chân người lao động.

Tăng lương để giữ chân người lao động

Tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lựa chọn. 

Từ đầu tháng 2.2022, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đồng loạt tăng 6% lương cơ bản cho người lao động như: Công ty TNHH Vienergy Việt Nam (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình), Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam (KCN Tam Điệp); Công ty TNHH Dream Plastic (Cụm công nghiệp Khánh Thượng, huyện Yên Mô, Ninh Bình)...

Tại Công ty TNHH Vienergy Việt Nam (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) với hơn 5.000 lao động, từ tháng 2.2022, Công ty đã đồng ý tăng 6% lương cơ bản cho người lao động.

Cụ thể, đối với lương cơ bản, Công ty sẽ tăng thêm 6% đối với mức lương thử việc tăng từ 3.920.000 đồng lên 4.150.000 đồng, lương chính thức tăng từ 4.194.400 đồng lên 4.440.000 đồng.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty, với việc tăng 6% lương cơ bản cho người lao động như vậy mỗi tháng Công ty phải chi thêm số tiền trên 2 tỉ đồng để trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, các chế độ về tiền ăn, tiền phụ cấp, xăng xe, chuyên cần, độc hại nặng nhọc... cũng được Công ty điều chỉnh tăng thêm. Các chế độ về tăng ca, nghỉ phép, nghỉ thai sản cũng được Công ty thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tăng 6% lương cơ bản cho người lao động. Ảnh: NT

Còn tại Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam (KCN Tam Điệp), từ tháng 2.2022, mức lương cơ bản của hơn 8.000 lao động tại Công ty cũng được điều chỉnh tăng thêm 6%, các chế độ về ăn ca, tiền thưởng chuyên cần, tiền hỗ trợ xăng xe... cũng được Công ty điều chỉnh tăng thêm so với trước.

Chị Đinh Thị Thanh Tâm, Chủ tịch công đoàn Công ty cho biết: Việc tăng lương, tăng tiền phụ cấp là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút và giữ chân người lao động.

Ngoài ra, các điều kiện làm việc như môi trường, an toàn vệ sinh lao động, cũng được Công ty cải thiện.

"Lương cơ bản lên 6% và với hơn 8.000 lao động, mỗi tháng Công ty phải chi thêm gần 3 tỉ đồng để trả lương cho người lao động nhưng đổi lại Công ty sẽ thu hút và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với với Công ty" - chị Tâm chia sẻ.

Tạo việc làm ổn định cho người lao động

Bên cạnh việc tăng lương, cải thiện môi trường làm việc, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động thì việc tạo ra việc làm ổn định cho người lao động cũng là một trong những giải pháp tối ưu được các doanh nghiệp lựa chọn để thu hút và giữ chân người lao động.

Tại Công ty cổ phần Nhựa y tế Việt Nam (KCN Tam Điệp), với gần 1.000 lao động nhưng kể cả khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất, Công ty vẫn duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động.

Ông Nguyễn Anh Tuyến, Giám đốc Công ty cho biết: Là đơn vị sản xuất các mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị y tế như bơm kim tiêm, dây truyền dịch... công ty luôn đảm bảo cho người lao động có đủ việc làm và thu nhập ổn định.

Do đơn vị sản xuất các mặt hàng đòi hỏi nghiêm ngặt về quy trình vệ sinh y tế, nên điều kiện làm việc cũng được thực hiện chặt chẽ.

Mỗi năm, công ty dành ra hàng trăm triệu đồng để trang bị các dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động tiên tiến, hiện đại, đảm bảo quy trình sản xuất sạch, an toàn.

Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh cải thiện điều kiện làm việc để giữ chân người lao động. Ảnh: NT

Đồng thời, Công ty cũng đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc phụ trợ như máy đóng gói, vận chuyển hàng hóa, nhằm giải phóng, giảm công sức cho người lao động. Cùng với đó, quan tâm đến đời sống công nhân, nhất là những lao động nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn đột xuất đều được giúp đỡ, hỗ trợ.

Theo đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 8 nghìn doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Trước thực tế nguồn lao động không ổn định, các doanh nghiệp đã bằng nhiều giải pháp nhằm giữ chân lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo, lao động chất lượng cao. Trong đó, lấy tiêu chí tạo việc làm và thu nhập cho người lao động là ưu tiên hàng đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn