MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty TNHH may HANOLL VINA (P.Bích Đào, TP.Ninh Bình) đang nợ số tiền BHXH của 114 lao động với tổng số tiền trên 1,6 tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Trường

Ninh Bình: Doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động gặp khó khăn

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 23/02/2023 10:22
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 253 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 58,3 tỉ đồng. Đặc biệt, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ với số tiền lớn và kéo dài trong nhiều năm khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.

Việc các đơn vị, doanh nghiệp tại Ninh Bình, chậm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động đã khiến không ít lao động gặp khó khăn, nhiều công nhân lao động khi chuyển nơi làm việc không chốt được sổ BHXH, thậm chí nhiều công nhân lao động ốm đau, thai sản... cũng không thể giải quyết các chế độ BHXH được.

Anh Nguyễn Quốc Toản (42 tuổi), trú tại phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: Anh làm việc tại Công ty TNHH Dương Giang (huyện Nho Quan, Ninh Bình) gần 10 năm, tuy nhiên từ năm 2022 vì Công ty gặp khó khăn trong vấn đề sản xuất, kinh doanh nên anh chuyển về làm cho Công ty xi măng Xuân Thành (tại Hà Nam) thời điểm anh chuyển, Công ty Dương Giang đang nợ hơn 60 tháng BHXH vì vậy khi chuyển việc sang công ty khác anh không chốt sổ BHXH được.

“Tôi chuyển công tác vào tháng 6.2022, thời điểm này công ty đang nợ hơn 60 tháng tiền BHXH, chính vì vậy khi tôi làm thủ tục chốt sổ BHXH để chuyển công tác thì công ty mới đóng BHXH cho tôi đến hết tháng 4.2018. BHXH tỉnh Ninh Bình chỉ chốt cho tôi đến tháng 4.2018. Như vậy tôi phải chịu thiệt hơn 5 năm tiền BHXH, trong khi hằng tháng Công ty TNHH Dương Giang vẫn trừ tiền lương của tôi để đóng BHXH nhưng họ không đóng” - anh Toản chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh, (36 tuổi), trú tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, Ninh Bình cho biết, chị làm việc tại Công ty CP lắp máy LILAMA (tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) cho biết, tôi làm việc ở công ty này từ năm 2009, nhưng khi sinh cháu thứ 2 vào năm 2020 đến nay vẫn chưa được nhận tiền thai sản.

“Tôi có đến BHXH tỉnh Ninh Bình để hỏi nhưng họ trả lời là việc giải quyết chế độ thai sản phải do công ty làm đề xuất lên. Khi hỏi lãnh đạo công ty thì họ bảo là do đang nợ tiền BHXH nên có đề xuất cũng không được. Lãnh đạo công ty có nói với tôi là công ty đang khó khăn nên sẽ đóng sau, khi đóng đủ sẽ làm thủ tục để tôi hưởng chế độ thai sản” - chị Thanh nói.

Hay như mới đây, 160 công nhân lao động tại Công ty TNHH may HANOLL VINA (tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) đã ngừng việc tập thể và gửi đơn “cầu cứu” tới các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình vì công ty chậm đóng tiền BHXH từ tháng 4.2022 đến nay.

Tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của hàng nghìn lao động. Trong khi hằng tháng các đơn vị, doanh nghiệp vẫn trừ lương của người lao động để đóng BHXH, nhưng thực tế thì họ lại không đóng. Chỉ đến khi người lao động ốm đau, thai sản hay chuyển công tác thì mới vỡ lẽ. Nhiều người vì muốn chốt sổ BHXH để chuyển công tác phải chịu thiệt thòi.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 253 đơn vị, doanh nghiệp đang nợ tiền BHXH từ 3 tháng trở lên. Tổng số tiền nợ là trên 58,3 tỉ đồng. 

“Việc giải quyết chế độ BHXH cho người lao động dựa trên thời gian đóng BHXH của chủ sử dụng lao động, đóng đến đâu chúng tôi giải quyết chế độ đến đấy. Đa phần những trường hợp không giải quyết được vì chủ sử dụng lao động đã phá sản hay bỏ trốn rồi. Còn lại những đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động nhưng nợ BHXH kéo dài với số tiền lớn thì những trường hợp chuyển công tác hay ốm đau, thai sản thì họ vẫn ưu tiên đóng trước, đóng đủ cho những trường hợp này để được hưởng chế độ. Cái này pháp luật cho phép” - đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh Ninh Bình cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn