MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 9.000 lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bị cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động vì doanh nghiệp không bố trí được việc làm. Ảnh: Diệu Anh

Ninh Bình: Hàng nghìn lao động bị cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng

DIỆU ANH LDO | 29/11/2022 15:33

Ninh Bình - Những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 còn chưa qua đi thì một lần nữa, hàng nghìn người lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lại đứng trước tình cảnh bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Thiếu đơn hàng, thu nhập người lao động giảm

Chị Đào Thị Thúy, ở xã Gia Phương (huyện Gia Viễn) là công nhân của Công ty TNHH Great Global International (Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) chia sẻ, nếu ở thời điểm này những năm trước, chị và nhiều lao động khác hăng say tăng ca để có thêm thu nhập, lo toan một cái Tết đầm ấm, đầy đủ cho gia đình nhưng năm nay, chị và hầu hết những lao động trong công ty lại thấp thỏm nỗi lo phải nghỉ việc vì doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng. 

Anh Đinh Quốc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Great Global International cho biết: Từ tháng 6.2022, theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do ảnh hưởng bởi hậu COVID-19, số lượng hàng may mặc tồn kho chiếm tới 40%.

Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp may mặc trong nước. Nếu như những năm trước, cứ 6 tháng, công ty ký đơn hàng 1 lần, đủ để người lao động làm việc trong 6 tháng, thậm chí là dài hơi hơn. 

LĐLĐ tỉnh Ninh Bình phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp” để tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Ảnh: Diệu Anh

Tuy nhiên, từ vài tháng trở lại đây, việc ký đơn hàng rất nhỏ giọt, chỉ đủ để cầm cự, duy trì việc làm và giữ chân người lao động trong khoảng thời gian ngắn.

Theo tính toán, phải hết tháng 2.2023, tình trạng này mới có thể được cải thiện.

"Hiện nay, công ty có trên 1.800 lao động, thì 100% lao động đều phải cắt giảm giờ làm. Mức lương khi chưa tăng ca của người lao động tại công ty bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Mức lương này giảm gần một nửa so với mức lương khi người lao động tăng ca đều. Với mức thu nhập này, người lao động sống khá là chật vật" - anh Tuấn chia sẻ.

Tương tự, tại nhiều công ty, doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đang trong tình trạng thiếu đơn hàng, không có việc làm phải cắt giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng với người lao động.

Chị Lê Thị Hiền (trú tại phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình) cho biết, làm việc tại Công ty TNHH MCNEX Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) hơn 4 năm nay, thu nhập mỗi tháng nếu tăng ca đều cũng được 8 triệu đồng. Tuy nhiên, từ tháng 9.2022, do công ty không có việc nên chị đã phải chấm dứt hợp đồng lao động với công ty.

"Hiện tôi đang xin làm phục vụ tại một nhà hàng, thu nhập cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập này thì phải tằn tiện lắm mới đủ cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Tôi hy vọng sang đầu năm, công ty ký được nhiều đơn hàng mới và tôi xin đi làm lại" - chị Hiền chia sẻ.

Hơn 9.000 lao động bị cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng

Theo số liệu từ Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày tháng 11.2022, toàn tỉnh Ninh Bình có 11/295 doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, với tổng số 9.229 lao động. Trong đó, có 3.340/9.229 lao động phải cắt giảm giờ làm; 2.919/9.229 lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó số lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ là 642 người; 3.296/9.229 lao động chỉ giảm giờ làm, tiếp tục được doanh nghiệp giữ lại để làm việc....

Những doanh nghiệp phải cắt, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với người lao động chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da, may mặc, điện tử... sử dụng nhiều lao động phổ thông. 

Trong đó, có những doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với gần 3.000 người, điển hình như: Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lam Giang; Công ty TNHH MCNEX Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn) từ đầu năm đến nay đã chấm dứt hợp đồng với 2.930 lao động do không ký được đơn hàng mới; Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Gia (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) đã chấm dứt hợp đồng đối với 369 lao động, toàn công ty chỉ giữ lại 7 người làm việc; hay như Công ty TNHH may Thiên Hà (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), toàn công ty có 165 lao động thì có đến 100 lao động phải chấm dứt hợp đồng...

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất, việc làm tại một số đơn vị, doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Khánh Phú. Ảnh: Diệu Anh

Theo đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình, nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị, doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với người lao động là bởi hiện tại tình hình kinh tế trong khu vực và thế giới có nhiều biến động, một số doanh nghiệp không nhập được nguyên, vật liệu nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì đơn hàng đến hết năm 2022, chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023. Cá biệt, một số doanh nghiệp không xuất được hàng vì giá thành thấp nên cắt giảm giờ làm hoặc cho người lao động nghỉ việc. 

"Mặc dù khó khăn về đơn hàng song đa số các doanh nghiệp đều nỗ lực duy trì việc làm để giữ chân người lao động. Một số doanh nghiệp đã thực hiện phương án cho người lao động nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên, nghỉ không lương hoặc trả lương ngừng việc.

Có doanh nghiệp thực hiện duy trì việc làm cho người lao động 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng..." - đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn