MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn lao động hồi hương tại Ninh Bình đang có nhu cầu tìm việc làm mới. Ảnh: NT

Ninh Bình: Lao động hồi hương và nhu cầu việc làm lâu dài

DIỆU ANH LDO | 17/09/2021 09:00

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hàng nghìn lao động tại các tỉnh ngoài về quê (Ninh Bình) tránh dịch, những lao động này có nhu cầu tìm việc làm mới tại địa phương. Trước tình trạng "dư người, thiếu việc", làm sao để giải quyết việc làm cho lao động ổn định cuộc sống đang là vấn đề cấp thiết được các ngành chức năng tại Ninh Bình đặc biệt quan tâm.

Hàng nghìn lao động hồi hương có nhu cầu tìm việc làm mới

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 15.9, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 6.000 người lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch, trong đó, có khoảng trên 1.600 người là lao động phổ thông đang làm việc ổn định tại các đơn vị doanh nghiệp, số còn lại là lao động tự do. Những lao động này sau khi hồi hương đã chấp hành xong thời gian cách ly tại địa phương theo quy định và đang có nhu cầu, chuyển đổi, tìm việc làm mới tại địa phương để ổn định cuộc sống.

Người lao động hồi hương sau khi hoàn thành cách ly theo quy định đều có nhu cầu tìm việc làm. Ảnh: NT

Chị Lê Thị Hồng (trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết: Cả hai vợ chồng chị đều làm công nhân tại một công ty may thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) đã gần 7 năm. Từ cuối tháng 5.2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty tạm dừng hoạt động, hai vợ chồng phải khăn gói về quê tránh dịch. 

Sau khi thực hiện xong thời gian cách ly và chưa biết đến khi nào công ty mới thông báo đi làm trở lại, sẵn có nghề may trong tay, hai vợ chồng chị đã nộp hồ sơ xin việc vào một số công ty may tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào tiếp nhận.

Hiện tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên hầu hết các công ty đều lo ngại khi tuyển dụng lao động trở về từ vùng dịch. "Có nghề trong tay, tôi nghĩ không sớm thì muộn cũng sẽ tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đấy là việc làm các thủ tục để chấm dứt hợp đồng lao động, chốt sổ bảo hiểm xã hội với công ty cũ để chuyển ra ngoài này. Tôi có liên hệ với bộ phận hành chính của công ty nhưng họ trả lời phải đợi hết dịch đi làm trở lại thì mới giải quyết được" - chị Hồng chia sẻ.

Hiện hàng nghìn lao động hồi hương khác tại Ninh Bình cũng đang có nhu cầu tìm việc làm mới tại địa phương, nhất là những lao động có ký kết hợp đồng với chủ sử dụng lao động, xong do vướng mắc về mặt giấy tờ, thủ tục thanh lý hợp đồng nên vẫn chưa tìm được việc làm mới.

Kết nối việc làm cho người lao động

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh bình cho biết: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang được kiểm soát chặt chẽ, hầu hết các DN trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song toàn tỉnh Ninh Bình đã giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 người (đạt 47,9% kế hoạch năm).

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ. Bên cạnh việc hỗ trợ người sử dụng lao động, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Nghị quyết 68 cũng đã bổ sung chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng đào tạo với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng trong vòng 1 năm kể từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.6.2022.

Nhiều lao động sau khi hoàn thành cách ly đã chủ động tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Ninh Bình để tìm kiếm việc làm mới. Ảnh: NT

Cùng với đó, các ngành, các địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để những lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch có việc làm ổn định. Hiện nay, theo khảo sát Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình có khoảng 60% lao động hồi hương trên địa bàn tỉnh dự kiến quay trở lại làm việc, số còn lại đều có nhu cầu chuyển đổi, tìm việc làm ổn định tại địa phương".

"Chính vì vậy, tạo việc làm cho lao động hồi hương là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong đó, vai trò của địa phương trong việc điều tiết, kết nối cung – cầu thị trường lao động rất quan trọng. Sau khi họ thực hiện xong thời gian cách ly theo đúng quy định, đảm bảo an toàn trong phòng dịch COVID-19, rất cần được tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, cần được kết nối, giới thiệu việc làm tại địa phương để ổn định cuộc sống" - ông Tuyến chia sẻ.

Cũng theo ông Tuyến cho biết, hiện ngành LĐTBXH tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hình thức hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho NLĐ, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19, những lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch để họ sớm quay trở lại thị trường việc làm, ổn định cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn