MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầu hết các DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Ảnh: NT

Ninh Bình: Lao động về quê tránh dịch, nhọc nhằn xoay xở tìm việc làm mới

DIỆU ANH LDO | 15/09/2021 17:40

Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 1.500 lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch và đang có nhu cầu tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hành trình tìm việc làm của những lao động này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Gian nan tìm việc làm mới

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hàng nghìn lao động tại các tỉnh phía Nam phải về quê tránh dịch. Vì ở quê trong thời gian dài và chưa biết khi nào mới trở lại làm việc, để có thu nhập, trang trải cho cuộc sống nhiều người đã chủ động đi xin việc làm mới tại địa phương. Tuy nhiên, hành trình tìm việc làm mới đối với họ là vô cùng gian nan, vất vả.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, trú tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình cho biết hai vợ chồng anh đều làm công nhân may tại TPHCM, cuối tháng 5.2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, công ty phải đóng cửa tạm dừng hoạt động nên vợ chồng về quê tránh dịch, sau thời gian cách ly, cả hai vợ chồng làm hồ sơ, phỏng vấn xin việc vào một số công ty may mặc ở Ninh Bình nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào gọi đi làm.

Lao động trở về từ vùng dịch khó khăn trong việc tìm việc làm mới tại địa phương. Ảnh: NT

"Ban đầu, hai vợ chồng chỉ nghĩ tranh thủ lúc công ty nghỉ dịch thì về quê thăm gia đình, con cái và để tránh dịch một thời gian nhưng do dịch COVID-19 tại TPHCM ngày càng phức tạp, đến nay đã gần 4 tháng vẫn chưa trở lại làm việc được. Hai vợ chồng thất nghiệp nên xoay xở tìm việc làm mới tại địa phương để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng của các công ty là rất ít nên tìm việc làm rất khó khăn" - anh Hạnh chia sẻ.

Tương tự như vợ chồng anh Hạnh, anh Tô Bá Lực, trú tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình là công nhân giày da tại Bình Dương về quê tránh dịch từ tháng 6.2021, dù đã nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi tại địa phương nhưng không có nơi nào nhận.

"Tôi đã tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Ninh Bình để tìm kiếm thông tin tuyển dụng của các công ty và liên hệ xin việc nhưng vẫn không có kết quả nên đành phải xin đi làm phụ hồ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Làm phụ hồ tuy mệt nhọc nhưng công việc đều, trong lúc chờ công ty tại Bình Dương gọi đi làm trở lại thì đây cũng là một công việc tạm để có thể nuôi sống gia đình trong lúc dịch bệnh phức tạp như hiện nay"- anh Lực tâm sự.

Không chỉ anh Hạnh, anh Lực mà nhiều công nhân, lao động tại Ninh Bình trở về từ các tỉnh ngoài để tránh dịch đều lâm vào cảnh tương tự. Tuy nhiên, chỉ một số ít là tìm được việc làm tại địa phương, còn lại phải xoay đủ "nghề tay trái" để mưu sinh.

DN không mặn mà với lao động trở về từ vùng dịch

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng trên 1.600 lao động từ tỉnh ngoài về địa phương tránh dịch, trong đó, chủ yếu là trở về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Hiện, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang được kiểm soát chặt chẽ, hầu hết các DN trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động.

Nhiều DN không mặn mà với lao động trở về từ vùng dịch. Ảnh: NT

Nhiều DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giầy da, may mặc... tuy nhiên, tâm lý của các DN chỉ muốn tuyển dụng lao động tại địa phương và có nhu cầu làm việc lâu dài nên cơ hội việc làm đối với những lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch là rất ít.

Chị Đinh Thị Thanh Tâm, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam (tại Ninh Bình) cho biết: Hàng tháng, Công ty thường xuyên tổ chức các đợt tuyển dụng lao động mới nhưng chủ yếu tuyển dụng lao động tại địa phương.

"Công ty không tuyển dụng lao động từ tỉnh ngoài về quê tránh dịch, một phần để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại công ty, một phần là vì số lao động này chỉ làm tạm thời nên nếu tuyển dụng họ vào làm, khi dịch bệnh được kiểm soát trở lại, họ lại quay trở về công ty cũ thì lúc đó công ty sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt công nhân" - chị Tâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn