MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sáng ngày 17.2, CNLĐ tại Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam vẫn tiếp tục ngừng việc tập thể. Ảnh: NT

Ninh Bình: NLĐ tại 3/5 công ty đã đi làm trở lại sau ngừng việc tập thể

DIỆU ANH LDO | 17/02/2022 11:33

Ninh Bình - Sáng ngày 17.2, hàng nghìn CNLĐ tại Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam (KCN Tam Điệp) và Công ty TNHH may áo cưới thời trang chuyên nghiệp (KCN Khánh Phú) vẫn tiếp tục ngừng việc tập thể.

Từ ngày 11 - 17.2, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình liên tiếp xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể tại các công ty, doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe những kiến nghị của CNLĐ tại Công ty TNHH Regis (huyện Nho Quan). Ảnh: NT

Cụ thể, chiều ngày 11.2, hơn 5.000 CNLĐ tại Công ty TNHH Vienergy Việt Nam (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) đã đồng loạt ngừng việc tập thể, tiếp đến ngày 15.2, hàng nghìn CNLĐ tại Công Ty TNHH Giầy Athena Việt Nam (huyện Yên Mô) và Công ty TNHH may áo cưới thời trang chuyên nghiệp (KCN Khánh Phú) ngừng việc tập thể. Đặc biệt, trong ngày 16.2, hàng nghìn CNLĐ tại Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam và Công ty TNHH Regis (huyện Nho Quan) đã đồng loạt ngừng việc tập thể để yêu cầu Ban lãnh đạo công ty phải giải quyết một số nội dung liên quan đến quyền lợi và thu nhập của người lao động.

Sáng ngày 17.2, CNLĐ tại Công ty TNHH may áo cưới thời trang chuyên nghiệp (KCN Khánh Phú) vẫn tiếp tục ngừng việc sau khi phía công ty này đã ra thông báo tăng 3% lương cơ bản. Ảnh: NT

Hầu hết các nội dung, kiến nghị của CNLĐ đều tập trung vào việc yêu cầu Ban lãnh đạo các công ty phải tăng lương cơ bản cho người lao động; tăng tiền cơm ca; giá xăng tăng cao đề nghị công ty tăng tiền hỗ trợ xăng xe; tăng tiền thâm niên, chuyên cần; tăng tiền sản lượng thấp; đề nghị công ty hỗ trợ tiền mua kit test COVID-19 cho CNLĐ; đề nghị công ty không trừ tiền ăn, xăng xe khi CNLĐ nghỉ phép năm...

Sau khi xảy ra các vụ ngừng việc tập thể trên, LĐLĐ tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp đến công ty gặp gỡ và lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của CNLĐ. Đồng thời làm việc với Ban lãnh đạo các công ty và đại diện CNLĐ nhằm tìm tiếng nói chung để giải quyết vấn đề.

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình làm việc với Ban lãnh đạo Công ty TNHH Vienergy Việt Nam (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) và công ty này đã ra thông báo tăng 6% lương cơ bản, CNLĐ đã trở lại làm việc bình thường. Ảnh: NT

Hầu hết những kiến nghị của CNLĐ đều được Ban lãnh đạo các công ty giải quyết thỏa đáng, đặc biệt là việc nâng lương cơ bản cho người lao động từ 3% - 6%, các chế độ khác như hỗ trợ xăng xe, cơm ca, tiền sản lượng, nghỉ phép... Ban lãnh đạo các công ty đều cam kết thực hiện nghiêm theo quy định.

Đến sáng ngày 17.2, CNLĐ tại 3/5 công ty đã đi làm trở lại, hiện vẫn còn CNLĐ tại 2 công ty là Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam và Công ty TNHH may áo cưới thời trang chuyên nghiệp vẫn tiếp tục ngừng việc tập thể.

Trong sáng ngày 17.2, đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Ninh Bình vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với đại diện CNLĐ và Ban lãnh đạo công ty để giải quyết sự việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn