MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nêu kiến nghị về Luật Bảo hiểm xã hội. Ảnh: Xuân Nhàn

Nợ BHXH tại Bình Định lên 240 tỉ đồng

Xuân Nhàn LDO | 30/05/2024 07:00

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Định Đặng Văn Lý cho biết: Nợ BHXH trên địa bàn hiện đã lên 240 tỉ đồng, trong đó, nợ 3 tháng trở lên là 211 tỉ đồng. Chỉ riêng bảo hiểm y tế (BHYT), con số nợ cũng tới 19 tỉ đồng.

Nợ bảo hiểm tràn lan

Anh Nguyễn An Phước (trú 06 Võ Mười, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) có hợp đồng lao động với Cty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort (địa chỉ tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) từ ngày 13.6.2022. Anh Phước tham gia các khoản BHXH đầy đủ thông qua việc trích nộp tiền lương hằng tháng. Do công ty chậm lương các tháng 10, 11, 12.2023, ngày 26.1.2024, Nguyễn An Phước xin chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngày 30.3.2024, Phước nhận quyết định thôi việc. Làm việc với cơ quan BHXH, Phước biết mình đang nợ 17 tháng. Ngoài bảo hiểm, Phước còn bị doanh nghiệp nợ hơn 10,5 triệu tiền lương các tháng 12.2023 và 1.2024. Nhờ đeo bám quyết liệt, mãi tới gần đây, khoản nợ BHXH của anh mới được thanh toán.

Nhưng đấy chỉ là những trường hợp đơn lẻ, ngắn hạn, với số đã nghỉ việc, một cán bộ Phòng Quản lý thu - sổ, thẻ, BHXH Bình Định lưu ý.

Vị này tỏ vẻ ngán ngẩm: “Hành trình đòi nợ cho người lao động không chút dễ dàng. Doanh nghiệp hẹn rày hẹn mai. Chẳng hạn như hôm 29.5, họ hẹn làm việc lúc 9 giờ, nhưng có giữ lời hứa đâu. Chúng tôi không chút bất ngờ khi lịch làm việc phá sản”!.

Tính đến hết tháng 4.2024, Bình Định có 338 đơn vị (4.242 lao động) chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… từ 6 tháng trở lên. Số tiền chậm đóng là 161,3 tỉ đồng. Trong danh sách do BHXH tỉnh Bình Định công bố, Cty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort (503 lao động) chỉ mới hoàn thành đóng bảo hiểm tới tháng 8.2021. Thời gian còn nợ 32 tháng, số nợ cuối kỳ là 25,8 tỉ đồng.

Sẽ tích cực kiến nghị

Kiến nghị tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch CĐCS Cty CP May Tây Sơn Nguyễn Thị Diễm nêu thực trạng: “Một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về BHXH do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn”.

Bà Diễm mong Quốc hội có quy định cụ thể để giải quyết triệt để tình trạng trên.

Một trong những khoản “treo” gây nhiều bức xúc là quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT.

Tiếp nhận hàng loạt phản ánh cùng nội dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn nói ông không đồng ý việc cơ quan BHXH viện dẫn quy định hiện hành đối với trường hợp chậm nộp trên 30 ngày để áp đặt hình thức “tạm treo” hoặc “treo rồi mở lại” thẻ BHYT.

“Phải nói thẳng đây là tình huống chứa đựng nhiều nghịch lý, mâu thuẫn. Tôi là người lao động đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm thông qua người sử dụng lao động, chỉ vì lỗi của người sử dụng lao động mà thẻ của tôi mặc nhiên bị khóa. Ốm đau bệnh tật nó có… tạm ngưng đâu. Nhỡ, bên bảo hiểm quên mở thẻ thì sao? Tại sao tôi phải chịu ảnh hưởng, bị mất quyền lợi chỉ vì sai phạm của người khác? Rõ ràng, cơ quan quản lý đang nắm đằng chuôi, đang chọn giữ phần thuận lợi và đẩy rủi ro, bất trắc sang người lao động đang gặp khó khăn.

Chơi vậy là không có đẹp. Nếu là tôi, tôi sẽ khởi kiện cả người lao động lẫn cơ quan bảo hiểm xã hội” - ông Lê Kim Toàn hồi đáp gay gắt và hứa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định sẽ tích cực kiến nghị khi tham gia thảo luận xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) ở kỳ họp đang diễn ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn