MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Nam trao 500 suất quà hỗ trợ người lao động bị cắt giảm giờ làm. Ảnh: Nguyễn Linh

Nỗ lực để hỗ trợ công nhân trong bối cảnh bị cắt giảm giờ làm

Nguyễn Linh LDO | 28/11/2023 09:00

Hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Nam bị cắt giảm giờ làm khiến cuộc sống vốn khó khăn càng trở nên chật vật. Tổ chức Công đoàn, chính quyền tăng cường công tác giám sát, động viên và hỗ trợ cho doanh nghiệp, công nhân kịp thời nhất.

Chia sẻ khó khăn để giữ được việc làm

Bà Nguyễn Thị Thuỷ đã làm ở Công ty TNHH Việt Vương (khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam) được hơn 14 năm. Suốt chừng ấy năm, nhờ vào số tiền lương hơn 6 triệu đồng mỗi tháng mà bà Nguyễn Thị Thuỷ đã nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay, Công ty TNHH Việt Vương cắt giảm giờ làm, cuộc sống bà Thuỷ khó khăn hơn. Thay vì làm việc 6 ngày/tuần thì nay chỉ làm 5 ngày/tuần, 16 giờ chiều đã hết giờ làm việc.

“16h tan ca, tôi chạy đi xin rửa chén, lao công cho hàng quán mà không có ai chịu nhận. Trong khi đó, mỗi tháng tôi phải gửi tiền cho con gái học ở Đà Nẵng nên mọi thứ đều phải dè xẻn” - bà Nguyễn Thị Thuỷ bộc bạch.

Cũng gặp cảnh khó khăn, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Sáu phải chạy hơn 15km từ thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đến Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam (khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để làm việc.

Theo bà Nguyễn Thị Sáu, năm 2023, Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam cắt giảm giờ làm nhiều nhất. Từ mức tiền lương hơn 6 triệu đồng/tháng, nay đã giảm chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng nên cuộc sống phải tằn tiện hơn.

“Trước đây, mỗi ngày tôi đi chợ hết 50.000 đồng, nay giảm xuống 40.000 đồng. Lúc có tiền thì mình thư thả, còn lúc eo hẹp thì mua gì cũng phải suy nghĩ, đắn đo” - bà Nguyễn Thị Sáu chia sẻ.

Tuy vất vả, thiếu thốn, song phần lớn công nhân đều chia sẻ khó khăn với chủ doanh nghiệp. Họ chỉ mong muốn doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn, còn mình thì giữ được việc làm, dù thu nhập đang giảm dần.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của địa phương này 10 tháng qua đã giảm 28,8%. Ngoài ra, có 1.070 doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường do rơi vào cơn khủng hoảng kéo dài, kéo theo hàng chục nghìn người lao động mất việc làm.

1.000 công nhân bị giảm giờ làm

Từ đầu năm đến ngày 31.3, tỉnh Quảng Nam có khoảng 400 công nhân bị cắt giảm giờ làm. Tuy nhiên đến giai đoạn khoảng tháng 7, tháng 8 thì số lượng này lại tăng cao đáng kể. Hiện nay có khoảng 1.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của Quảng Nam bị cắt giảm giờ làm.

“Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp lớn, như Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam, vì muốn giữ chân lao động nên họ đã giảm giờ làm và trả lương cho công nhân bằng với mức lương tối thiểu vùng, đồng thời đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân” - ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn Các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam - cho biết.

Theo ông Nguyễn Kỳ Vĩnh, dù công nhân không nghỉ nhưng thu nhập của công nhân bị giảm so với thời gian trước, đời sống công nhân cũng bị khó khăn. Đối với công nhân bị mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng thì đã được hỗ trợ theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chiều 25.11 vừa qua, Công đoàn các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam đã phối hợp cùng Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, thanh niên bị giảm giờ làm việc trong năm 2023.

Công đoàn các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam đã trao 500 suất quà hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, công nhân, thanh niên đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Quảng Nam.

Đây là những đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do bị giảm thời gian làm việc sau khi doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hằng năm 2023. Mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng bao gồm các nhu yếu phẩm và nông sản.

Có thể nói, đây là năm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất ở Quảng Nam tuy nhiên, với phương án phát triển lâu dài nên các doanh nghiệp này bằng mọi cách phải giữ chân lao động.

Nhằm hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, trong thời gian tới Công đoàn các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức chuyến xe công đoàn đưa công nhân về quê ăn Tết, tổ chức chương trình Tết Sum vầy tại các khu công nghiệp, hỗ trợ cho công nhân ở xa tiền vé xe để được về quê đón tết. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi tại các khu nhà trọ công nhân trong dịp Tết đến xuân về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn