MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Lê Hoài Vũ (trái ảnh) bên dây chuyền đóng bao bì. Ảnh: HƯNG THƠ

Nỗ lực sáng tạo để không bị thụt lùi

HƯNG THƠ LDO | 17/07/2018 07:04
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp điện, anh Lê Hoài Vũ (SN 1981, trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xin vào làm công nhân cơ điện ở Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (thuộc Cty CP TCty thương mại Quảng Trị). 

Công việc của anh hằng ngày lặp lui lặp lại các khâu “tắt, mở” hoặc sửa chữa những hư hỏng lặt vặt. Sau một thời gian, anh Vũ bắt đầu nảy sinh ý tưởng cải tiến một số máy móc để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất.

Tại nhà máy, mỗi lúc sản xuất dùng điện 3 pha, nhiều lần gặp sự cố mất 1 pha, máy vẫn chạy làm ảnh hưởng nhiều đến thiết bị, trường hợp xấu nhất là cháy máy. Vì vậy, anh Vũ tự mày mò thiết kế hệ thống báo hiệu mất pha. “Từ năm 2007, hệ thống báo mất pha được đưa vào sử dụng ở nhà máy. Cứ bị mất pha là còi báo ngay, công nhân sẽ ngắt máy để khắc phục, tránh ảnh hưởng đến máy” - anh Vũ kể.

1 năm sau (2008), từ công nhân cơ điện, anh Vũ được lên chức tổ phó cơ điện, tiếp đó là phó quản đốc cho đến chức quản đốc xưởng sản xuất Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Từ sáng kiến đầu tiên, những năm sau đó cho đến nay, năm nào anh Vũ cũng có ít nhất 1 sáng kiến, có năm 3 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất và được nhà máy đánh giá cao. Những sáng kiến của anh Vũ đều thực tế và rất cần cho quá trình sản xuất tinh bột sắn.

Đơn cử, ở nhà máy có hệ thống đóng bao bì tinh bột sắn. Trong quá trình hoạt động, nếu hệ thống này bị hư hỏng, nhiều công đoạn khác phải dừng hoạt động và phải thuê kỹ thuật ở tận Đà Nẵng ra sửa chữa, tốn nhiều thời gian. Anh Vũ đưa ra ý tưởng làm hệ thống đóng bao tự động cho dây chuyền 2, đảm nhiệm việc đóng bao tự động trong trường hợp dây chuyền chính gặp sự cố. Ý tưởng của anh Vũ thành hiện thực, không chỉ tiết kiệm chi phí, mà đảm bảo việc vận hành thông suốt, góp phần tăng năng suất sản phẩm cho nhà máy.

Đặc biệt, sáng kiến lắp thêm hệ thống Cyclone thu hồi quạt hút nguội ở dây chuyền sấy bã sắn. Anh Vũ cho hay quá trình hoạt động đã thải ra bên ngoài lượng bụi bột sắn khá lớn, vừa ô nhiễm môi trường vừa lãng phí. Ý tưởng làm sao để khắc phục tình trạng này được anh Vũ phôi thai nhiều năm, nhưng mãi đến năm 2016 mới được hoàn thiện, đến năm 2017 mới được đưa vào sử dụng. “Bây giờ, bụi bã sắn được thu lại, vừa tiết kiệm và không ô nhiễm môi trường” - anh Vũ cho hay.

Theo anh Vũ, ngoài việc tự mày mò học hỏi và yêu thích sáng tạo cũng như cống hiến vì công việc, anh nhận được rất nhiều sự động viên, khuyến khích của nhà máy và Cty. Ông Đinh Thanh Tùng - Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa - nói rằng, không chỉ nhà máy mà Cty rất khuyến khích những sáng kiến của người lao động. Cty đã phát động phong trào sáng kiến trong quá trình sản xuất, mỗi người lao động khi có sáng kiến sẽ trình bày bằng văn bản để gửi vào hộp sáng kiến, hoặc đưa lên mạng nội bộ. Những sáng kiến hay sẽ được tổ sáng kiến của nhà máy và Cty xét, nếu đạt điểm thì sẽ được triển khai thực hiện. “Anh Vũ có rất nhiều sáng kiến thực tế, khi áp dụng đem lại hiệu quả cao cho công việc như tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiệt hại… nên được nhà máy cũng như Cty ghi nhận, đánh giá cao” - ông Tùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn