MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân khu công nghiệp Thăng Long vào ca. Ảnh: Bảo Hân

Nỗi lo “hậu F0”

Bảo Hân LDO | 10/03/2022 07:55
Sau khi khỏi bệnh, nhiều công nhân lao động khu công nghiệp là F0 đã đi làm trở lại. Tuy vậy, họ đối mặt với nhiều nỗi lo, từ thu nhập đến sức khoẻ, hay nguy cơ bị tái nhiễm…

Sức khoẻ yếu hơn  

Anh Đoàn Anh Dũng (người lao động khu công nghiệp Thăng Long, thuê trọ tại chung cư CT1A, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) dương tính với COVID-19 từ ngày 19.2. Sau hơn 10 ngày chống chọi với bệnh, anh đã âm tính trở lại và đi làm từ ngày 3.3. “Sau khi bị bệnh, đi làm trở lại, tôi cảm thấy người yếu hơn bình thường. Ngoài ra, mặc dù việc áp dụng các biện pháp phòng dịch ở công ty khá nghiêm ngặt, nhưng tôi vẫn lo lắng nguy cơ mình tái nhiễm trở lại” - anh Dũng cho hay.  

Một vấn đề khác anh Dũng cũng khá lo lắng là thu nhập. Hơn 10 ngày cả nhà tự điều trị bệnh tại nhà tiêu tốn khoản tiền lên tới 5 triệu đồng - một số tiền khá lớn so với thu nhập của 2 vợ chồng. Đó là chưa kể số tiền sinh hoạt, ăn uống trong tháng. Trong khi đó, anh vẫn chưa biết thu nhập trong tháng 2 của mình sẽ như thế nào. 

“Hiện giờ tôi vẫn chưa nhận được email thông báo trả lương trong tháng 2, nên chưa biết cụ thể ra sao, chỉ biết là sẽ được hưởng 80% lương cơ bản và công ty hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi trường hợp là F0” - anh Dũng cho hay. Được biết, lương cơ bản của anh Dũng khoảng 7 triệu đồng.  

Để được hưởng chế độ bảo hiểm trong những ngày nghỉ tự điều trị bệnh ở nhà, anh Dũng cho hay đã đi khai báo ngày 3.3, nhưng anh được hẹn đến ngày 27.3 mới được nhận giấy từ để có thể làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, anh vẫn phải chờ đến ngày hẹn trên. 

Lo lắng về thu nhập 

Cũng giống với anh Dũng, chị Đinh Thị B. (công nhân khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) và con gái út (học lớp 3) bị dương tính với COVID-19 vào ngày 20.2. Sau 14 ngày điều trị, chị B. mới nhận được kết quả âm tính. “Nhiều người mắc 7-10 ngày là khỏi bệnh, còn tôi mất 2 tuần mới có kết quả âm tính” - chị B. kể.   

Như nhiều công nhân khác bị bệnh COVID-19, chị B. cho biết, sau khi khỏi, chị cảm thấy sức khoẻ của mình không được như trước, hay đau mỏi người. Chị B. không lo ngại việc bị lây nhiễm trở lại ở trong công ty, bởi công ty có các biện pháp phòng dịch khá nghiêm ngặt; mọi người cũng tuân thủ các nguyên tắc 5K. “Mọi người tuân thủ đeo khẩu trang 100%; làm việc ở ngăn riêng, không chung nhau. Chỉ cần nói chuyện với nhau thôi là đã bị nhắc nhở rồi. Tôi chỉ lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi đi chợ, hoặc đi đường…” - chị B. nói.  

Đợt chữa trị bệnh COVID-19 vừa qua tiêu tốn nhiều khoản tiền đối với gia đình chị. “Số tiền chi tiêu phải lên tới 10 triệu đồng, gồm tiền mua que test, thuốc, mua hoa quả bổ sung dinh dưỡng” - chị B. cho hay. Để chi trả chi phí, chị phải chi tiêu vào khoản tiền tiết kiệm của cả gia đình. Trong khi đó, trong tháng 2, chị đi làm được 17 ngày nên sẽ được hưởng lương số ngày này; không được hưởng lương trong 7 ngày nghỉ ốm.  

“Tôi cũng đang trông chờ vào số tiền chế độ ốm đau của bảo hiểm để bù phần nào vào các chi phí. Tuy nhiên, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm thủ tục được hưởng chế độ này” - chị B. cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn