MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách lên tàu tham quan vịnh Hạ Long tại Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long chiều 10.4.2022. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nỗi lo nguồn nhân lực cho du lịch Quảng Ninh

Nguyễn Hùng LDO | 13/04/2022 09:56

3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ vừa qua với lượng khách tăng đột biến ở tất cả các điểm đến cho thấy ngành du lịch có bước khôi phục ngoạn mục và chắc chắn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thiếu nguồn nhân lực đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay. 

Trong 3 ngày lễ, Quảng Ninh đón tổng cộng khoảng 150.000 khách. Trong đó, vịnh Hạ Long đón gần 24.800 khách, Bảo tàng Quảng Ninh đón trên 12.000 khách, Khu Di tích Danh thắng Yên Tử đón trên 13.000 lượt khách, Khu vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long Complex đón 20.000 khách… Khách lưu trú đạt khoảng 29.900 khách.

Do nhiều khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch vẫn chưa hoạt động trở lại nên những đơn vị, cơ sở hoạt động phải “chạy” quá công suất, trong bối cảnh phải thiếu nguồn nhân lực. Trong 3 ngày lễ, đội tàu du lịch của anh Nguyễn Văn Minh mỗi ngày chạy 2 chuyến. Do các nhân viên đã chuyển nghề vì dịch COVID-19, nên anh phải đi thuê mượn các nhân viên còn sót lại của các tàu du lịch khác vẫn chưa hoạt động trở lại.

Kết thúc 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ, ngành du lịch lại tiếp tục các công tác chuẩn bị cho kỷ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 sắp tới. Quảng Ninh hứa hẹn sẽ là một trong những điểm du lịch thu hút lượng lớn du khách đổ về, vì vậy thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng đang là vấn đề gây “đau đầu” không ít đối với các đơn vị lữ hành, kinh doanh phục vụ. 

“Ngành du lịch chắc chắn sẽ phát triển trở lại, vì thế các chủ tàu cũng đang chuẩn bị đưa tàu vào hoạt động. Bây giờ tìm nguồn nhân lực rất khó. Nhân viên cũ thì hầu hết đã chuyển nghề, mời quay lại cũng không đơn giản, trong khi đào tạo mới không thể nhanh được” - anh Minh chia sẻ.

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện mới chỉ có gần 200 trong tổng số hơn 500 tàu du lịch mới đăng ký hoạt động trở lại. Một số chủ tàu cho rằng, nếu tất cả cùng hoạt động thì không biết kiếm đâu ra nhân viên.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng - Chi hội phó chi Hội tàu du lịch vịnh Hạ Long - hiện có nhiều chủ tàu nếu tìm được nhân viên thì chỉ thuê theo ngày, bởi ký hợp đồng thì phải trả lương đầy đủ, kể cả chẳng may phải dừng hoạt động. Trong khi đó, các nhân viên cũ, nếu bố trí được thời gian thì quay lại làm ăn lương ngày, chứ không dám bỏ công việc hiện tại vì chưa biết tình hình thế nào.

Anh Nguyễn Đức Quang - từng làm đầu bếp trên tàu du lịch 5 sao - sau một thời gian đi bán gà dạo do mất việc vì bệnh nay mở một quán cháo lòng tại TP. Hạ Long. Anh không có ý định trở lại nghề cũ bởi thu nhập hiện tại của anh cũng không thấp hơn nghề đầu bếp trên tàu 5 sao.

Những đồng nghiệp cũ của anh cũng vậy, họ đã yên tâm với công việc mới, bởi mức thu nhập ổn định và không phải thường xuyên lênh đênh trên tàu nhiều ngày.

“Nếu không có chính sách đãi ngộ tốt thì rất khó kêu gọi các nhân viên cũ trở lại vì họ đã yên ổn với công việc mới. Trong khi đào tạo một nhân viên mới mất nhiều thời gian. Như tôi, ngoài bằng nấu ăn còn có đến 7 - 8 các chứng chỉ khác, như chứng chỉ phòng cháy - chữa cháy, chứng chỉ thủy thủ, nghiệp vụ du lịch…” - anh Quang cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Bảo - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh - trước mắt, các chủ tàu vẫn xoay sở được nguồn nhân lực bởi lượng khách chưa phải là nhiều nhưng về lâu dài, chắc chắn thiếu nhiều.

“Tỉnh Quảng Ninh cũng rất quan tâm vấn đề này. Chúng tôi cũng đã làm việc với một số các trường đào tạo nghề trên Hà Nội, để hè này sẽ gửi các sinh viên về Hạ Long thực tập. Đây sẽ là một nguồn lực bổ sung cho đội tàu du lịch, các nhà hàng, khách sạn” - bà Bảo cho biết. 

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trước khi chưa có dịch COVID-19, ngành du lịch-dịch vụ Quảng Ninh có khoảng 25.000 nhân lực trực tiếp và gián tiếp. Đến nay, chỉ còn khoảng 2.000 lao động làm việc thường xuyên và làm việc theo hình thức giãn việc nghỉ luân phiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn