MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng đứng trước nỗi lo thiếu hụt lao động sau dịch COVID-19 (ảnh minh họa). Ảnh: Mai Dung

Nỗi lo thiếu hụt lao động sau dịch COVID-19

Mai Dung LDO | 05/05/2020 07:30
Dịch COVID-19 kéo dài hơn 3 tháng qua khiến nhiều doanh nghiệp (DN) ở Hải Phòng bị ảnh hưởng, phải thu hẹp sản xuất, cho người lao động nghỉ việc. Nhưng đến nay, chính những DN này đối diện nỗi lo thiếu nhân lực phục vụ sản xuất trong tương lai, khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vật vã giữ chân lao động

Thống kê của LĐLĐ TP.Hải Phòng, đến ngày 28.4, Hải Phòng có 293 DN bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, 267 DN thu hẹp sản xuất do dịch bệnh. Trong đó, DN khối ngành may mặc, giày da bị ảnh hưởng rõ rệt.

Điển hình như Công ty (Cty) TNHH Công nghiệp giày Aurora Việt Nam - DN vốn đầu tư Đài Loan hiện tạo việc làm cho gần 7.000 công nhân lao động (CNLĐ), sản xuất giày xuất khẩu thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Chủ tịch Công đoàn Cty Đỗ Thị Phượng cho biết, từ tháng 3, các đơn hàng bị hủy bỏ, việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, đến tháng 4, Cty cắt giảm gần 1.800 lao động chủ yếu là lao động hợp đồng 1 năm, lao động đến hết hợp đồng lao động nhưng không ký tiếp, hết thời gian thử việc không ký tiếp, lao động tỉnh xa.

“Trong tháng 5, 6 tới, Cty tiếp tục không có đơn hàng. Khả năng ký kết đơn hàng trong tháng 7, 8, 9.2020 cũng rất mong manh. Từ tháng 5, Cty phải giải thể một nhà xưởng. Đứng trước tình hình đó, Cty nghĩ đến phương án phải đóng cửa, cắt giảm 2/3 công nhân hoặc thương lượng người lao động (NLĐ) số ngày làm việc/tháng. Tuy nhiên, với mong muốn duy trì việc làm cho NLĐ, giữ chân NLĐ cho đến khi dịch COVID-19 tạm lắng, Cty thỏa thuận từ nay đến hết tháng 8, NLĐ đi làm ngày nào sẽ hưởng lương ngày đó, tuy nhiên số ngày công/tháng vẫn đủ để đóng BHXH cho NLĐ (16-18 ngày công).

Còn ở Cty TNHH Jade M Vina (gần 1.000 lao động, 90% là nữ), 1/3 lao động Cty phải tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong tháng 5, 6, dự kiến Cty chỉ duy trì được 12-13 ngày công/tháng cho NLĐ với thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Chị Phan Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Công đoàn Cty - cho hay: “Mặc dù DN đang rất khó khăn do mới chuyển đổi chủ đầu tư, lại ảnh hưởng đơn hàng vì dịch bệnh, tuy nhiên, DN vẫn cố gắng giữ chân lao động bằng cách ký lại 100% lao động hết hạn hợp đồng, đóng BHXH cũng như thực hiện đầy đủ các chế độ với NLĐ”.

Hay như tại Cty TNHH Sao Vàng với gần 6.000 lao động làm việc tại 2 nhà máy An Lão, Tiên Lãng (Hải Phòng), trước thực tế đơn hàng giảm 80%, Cty mong muốn NLĐ chia sẻ bằng thỏa thuận nghỉ việc 2 ngày/tuần không hưởng lương từ tháng 4 thay vì chấm dứt hợp đồng lao động. “Giảm ngày làm việc kéo theo thu nhập giảm, nhưng NLĐ vẫn đồng ý, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Rất mừng là sau một thời gian khai thác thêm đơn hàng mới, từ tháng 5 này, NLĐ chỉ phải nghỉ 1 ngày/tuần không lương” - bà Nguyễn Thị Hậu - Chủ tịch Công đoàn Cty - nói.

Lo ngại thiếu lao động sau dịch COVID-19

Việc các DN gặp khó khăn do dịch nhưng vẫn nỗ lực giữ chân NLĐ một phần là do những lo ngại thiếu nguồn nhân lực duy trì sản xuất sau dịch COVID-19. Theo đại diện Công đoàn Cty GG Vina (quận Ngô Quyền), do đơn hàng xuất khẩu thị trường Mỹ bị hủy nên từ ngày 26.3, Cty cho NLĐ nghỉ phép đến hết 6.4, sau đó ký tạm hoãn hợp đồng lao động đến ngày 31.5.

“Trong thời gian nghỉ việc, nhiều NLĐ tìm kiếm việc làm ở đơn vị khác để duy trì cuộc sống. Vậy nên trong tháng 6 tới, DN quay trở lại hoạt động sẽ thiếu hụt lao động, trong khi đó việc tuyển dụng, đào tạo lại lao động mất khá nhiều thời gian” - đại diện Công đoàn Cty cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Trưởng phòng An toàn Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hải Phòng - nói rằng, nếu như trước đây, tình trạng chung của các DN là không tuyển dụng được lao động. Đến nay, nhiều DN phải cầm cự để giữ chân NLĐ, lo sợ sau dịch không có lao động. Dự báo trong khoảng 2 tháng tới trong trường hợp dịch COVID-19 được khống chế, việc thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ diễn ra không chỉ tại Hải Phòng mà còn ở nhiều địa phương khác.

Cũng theo ông Cường, bên cạnh bám sát diễn biến dịch bệnh, thời gian tới, Sở LĐTBXH Hải Phòng phối hợp LĐLĐ, Ban quản lý Khu Kinh tế nắm bắt tình hình việc làm tại các DN, kết nối cung - cầu lao động vừa để giúp DN nhanh chóng phục hồi sản xuất sau dịch, vừa để NLĐ ổn định việc làm, thu nhập cũng như các chế độ khác.

Trước mắt, giải pháp của LĐLĐ TP.Hải Phòng là xây dựng phương án cụ thể về diễn biến lao động, việc làm, thu nhập, từ đó thảo luận với người sử dụng lao động biện pháp ứng phó phù hợp. Trong đầu tháng 5 này, LĐLĐ sẽ hỗ trợ 4 nhóm đối tượng: Lao động nữ mang thai, lao động nữ nuôi con dưới 24 tháng tuổi, gia đình 2 người (vợ và chồng) đều bị tạm hoãn, mất việc và lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, tai nạn lao động. Qua đó, động viên NLĐ vượt qua khó khăn, chia sẻ, gắn bó với DN. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn