MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những vật dụng tiện ích nhưng là nỗi lo của người công nhân khi giá điện tăng. Ảnh: Minh Nguyễn.

Nỗi lo từ giá điện, giá sinh hoạt tăng của công nhân Hòa Bình

Minh Nguyễn LDO | 10/05/2023 12:13

Hòa Bình - Giá điện vừa tăng, mùa nắng nóng cũng đã bắt đầu nên nhưng người lao động không khỏi lo lắng về việc chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là ở thời điểm giờ làm tại công ty ngày một giảm.

Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4.5, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh so với mức hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng mức tăng 3%.

Tuy giá điện tăng với tỉ lệ không cao, nhưng đây là cái cớ cho nhiều loại mặt hàng, hàng hóa hay các loại hình dịch vụ tăng theo. Phần lớn công nhân, người lao động đều đang cảm thấy lo lắng.

Nguyên nhân của việc lo lắng là bởi sau nhiều biến động kinh tế thì hiện các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang giảm giờ làm, khiến cho thu nhập của công nhân cũng giảm đi đáng kể. Nếu chi phí sinh hoạt tăng cao, người lao động sẽ gặp khó.

Theo anh Nguyễn Văn Tiến (36 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân tại Khu công nghiệp Lương Sơn), trong nhiều tháng nay lương của anh chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong đó, chi phí sinh hoạt khác cũng xấp xỉ 3 triệu đồng.

"Trong phòng tôi chỉ có 2 chiếc quạt, ấm siêu tốc, nồi cơm điện và chiếc bóng mà hàng tháng cũng hết gần 100 nghìn đồng tiền điện. Vậy nên tôi cũng chẳng dám sắm nhiều đồ dùng vì lo tiền điện cao quá", anh Tiến bộc bạch.
Nhiều gia đình loay hoay tìm cách giải nhiệt khi mùa nóng đã bắt đầu.

Vậy nhưng thời tiết quá khắc nghiệt nên nhiều người vẫn phải bấm bụng mua các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt hơi nước, tủ lạnh... những vật dụng này đều có mức tiêu thụ điện cao.

Điển hình như trường hợp ông Vũ Văn Tầm (42 tuổi, Công Ty TNHH Sản Xuất Hàng May Mặc Esquel Việt Nam - Hoà Bình), ngoài những đồ dùng gia đình ông còn sử dụng cả tủ lạnh và điều hòa. Mỗi tháng tiền điện lên đến khoảng 600 nghìn đồng.

"Dãy trọ của tôi thu 3 nghìn đồng/số điện, trong đó tiền điện cho điều hòa vào mùa nóng là hơn 300 nghìn đồng, tủ lạnh thì khoảng 250 nghìn đồng", ông Tầm nói.

Dù chi phí cao nhưng những loại thiết bị, máy móc ấy mang lại tiện dụng cần thiết nên nhiều người vẫn dùng. Tuy nhiên, sau khi bị giảm giờ làm thu nhập thấp đi thì ông Tầm đành phải bán bớt chiếc tủ lạnh để giảm mức chi tiêu.

Cũng theo ông Tầm, với những người chưa lập gia đình thì mức thu chi này vẫn dễ dàng để cân đối. Nhưng với công nhân đã có gia đình thì cần phải tỉnh toán kỹ lưỡng đảm bảo còn dư tiền gửi về cho con cái ăn học, việc này cực kỳ khó khăn trong thời điểm giá điện vừa tăng.
 Điều hòa vẫn là thứ xa xỉ đối với người công nhân Hòa Bình.

Có mặt tại xóm trọ thuộc thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, nơi đây có đến 50 phòng trọ đa phần phục vụ cho công nhân, lao động làm việc tại Khu công nghiệp Lương Sơn. Điểm đáng chú ý là dù tất cả các phòng đều có người ở nhưng chỉ 6 phòng sử dụng điều hòa.

Nói về vấn đề này, anh Bùi Văn Long (35 tuổi, quê huyện Đà Bắc, Công ty TNHH HNT VINA) chia sẻ: "Không phải là không muốn dùng nhưng nếu ở một mình như tôi thì việc đầu tư chiếc điều hòa chi phí hơn 1 tháng lương thì không hợp lý. Hơn thế nữa còn là tiền điện hàng tháng. Nó sẽ phù hợp hơn với những người ở ghép phòng".

Bên cạnh đó, nhiều công nhân cho biết: Giá điện cũng như giá xăng dầu, khi tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng đồng loạt tăng theo, đặc biệt là các loại thực phẩm chế biến sẵn. Từ đó, mức chi tiêu trong sinh hoạt lại cao lê.

Phần lớn, người công nhân, lao động mong muốn tình hình kinh tế cũng như giá cả thị trường ổn định, công ty có nhiều đơn hàng hơn để được làm tăng ca, kiếm thêm thu nhập giúp chất lượng đời sống công nhân được nâng cao hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn