MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Ngát gọi điện thoại cho bố mẹ ở Ninh Bình. Ảnh: Mỹ Ly

Nỗi lòng của nữ công nhân 3 năm liền không về quê ăn Tết

PHONG LINH - MỸ LY LDO | 12/02/2024 15:07

“U ăn cơm chưa? Tết năm nay, con trai, con gái không về u có buồn không? Ráng năm sau, có dư dả chúng con về thăm u, thăm bố nhá…”, đó là những lời tâm sự của một nữ công nhân gọi cho mẹ khi không thể về quê ăn Tết.

Cuộc gọi đêm Giao thừa

Năm nào cũng có Tết, cũng đón Giao thừa, nhưng có lẽ Giao thừa năm nay là một trong những kỷ niệm khó quên đối với chúng tôi. Bởi đây là năm đầu tiên chúng tôi đón Giao thừa trong khu nhà trọ công nhân cùng gia đình chị Đỗ Thị Ngát – công nhân công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Ngọc Diệp (TP Cần Thơ).

Ghé thăm gia đình vào đêm 30 Tết, khi mà phần lớn các phòng trọ khác đều đã đóng kín thì chị Ngát vẫn đang loay hoay trong bếp hấp xôi, cắt bánh chưng,... chuẩn bị cho mâm cúng lễ đón Giao thừa.

“Ngày xưa ở quê, Tết tôi thường cùng gia đình gói bánh chưng, tuy vất vả nhưng vui lắm. Giờ không có điều kiện gói, số bánh này là của mấy cô, bác gửi cho. Ngoài bánh chưng, tôi còn luộc gà, hấp xôi, bày mâm ngũ quả,… chuẩn bị cho mâm cúng Giao thừa”, chị Ngát kể lại.

Chị Ngát cùng các con cắt bánh chưng. Ảnh: Mỹ Ly

Và 3 năm nay, đều đặn mỗi khi đón Giao thừa xong, chị Ngát đều gọi điện thoại cho bố mẹ ở Ninh Bình. Cuộc gọi không kéo dài với những nội dung quen thuộc, song lại làm nữ công nhân này phần nào vơi đi nỗi nhớ quê, nhớ bố mẹ.

“U ăn cơm chưa? Tết năm nay, con trai, con gái không về u có buồn không? Con chúc u và bố nhiều sức khỏe, ráng năm sau, có dư dả chúng con về thăm u, thăm bố nhá…”, chị Ngát nói với mẹ bằng giọng nhẹ nhàng.

Từ cuộc gọi vội với mẹ, chị Ngát nhẩm tính cho chúng tôi nghe: “Chi phí đi lại về quê cho gia đình 4 người của tôi khoảng 20 – 30 triệu đồng nên năm nào muốn về thì phải tiết kiệm. Trong khi, bây giờ không chỉ có vợ chồng mà còn phải lo cho 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học – các cháu trở thành sự ưu tiên hàng đầu của bậc cha mẹ như chúng tôi”.

Vì lẽ đó, 3 năm nay, gia đình chị Ngát đành khép lại chuyện về quê ăn Tết. Tiền thưởng Tết ngoài sắm sửa cho nhà cửa, con cái, chị cũng gói ghém gửi về quê cho bố mẹ: “Điều kiện không có nên cũng chưa báo hiếu cho cha mẹ nhiều, lúc ông bà ốm đau cũng không về được vì đường xá xa xôi. Chỉ có dịp Tết, có tiền thưởng gửi về cho bố mẹ đôi ba triệu nhưng ông bà cũng không nhận vì thấy con mình còn khó khăn. Và câu từ chối quen thuộc tôi được nghe là “Chỉ cần chúng mày sống tốt là bố mẹ yên tâm”, chị Ngát cố cười nhưng đôi mắt đã ngấn lệ.

Ước nguyện năm mới

Rời quê vào Cần Thơ, lạ nước lạ cái, không người tâm sự nên không ít lần nữ công nhân này bật khóc. Chị khóc vì tủi thân, khóc vì nhớ bố mẹ. Với chị, cái ân hận nhất của những người xa quê chính là lúc bố mẹ ốm đau mà không thể gần bên.

Dẫu có buồn, có tủi thân, song có lẽ, tại cái nơi mình từng xem là xa lạ này, chị Ngát vẫn cảm nhận được sự ấm áp từ những con người không thân thích với nhau.

“Đây là khu trọ công nhân nên người thì tứ xứ về ở, Bắc, Trung, Nam đều có. Những ai không về quê như tôi thường sẽ quây quần lại, tâm sự và uống với nhau một chút. Do cùng là những người xa quê, cùng là công nhân nên đều hiểu nỗi lòng của nhau cả", chị Ngát tâm sự.

Ngoài ra, Tết năm nào, chủ nhà trọ cũng tặng quà cho gia đình chị Ngát và 2 con chị cũng được lì xì nên dù xa quê nhưng cái Tết cũng an ủi được phần nào.

Các công nhân không về quê đón Tết cùng quây quần ăn uống, tâm sự với nhau. Ảnh: Phong Linh

Khép lại những muộn phiền, lo toan trong năm cũ, chị Ngát hy vọng năm 2024, mọi chuyện suôn sẻ hơn, các con đi học ít ốm vặt hơn, học giỏi hơn. Còn hai vợ chồng sẽ cố gắng làm việc để năm tới có tiền về quê thăm bố mẹ, gia đình và đón một cái Tết sum vầy.

Sau những mong muốn cho năm mới thì cuộc trò chuyện của chúng tôi và chị Ngát cũng kết thúc. Cùng với lời cảm ơn, chúc Tết là câu nói tạm biệt để ra về. Nhìn con chị Ngát và các cháu khác đang vui đùa hồn nhiên, xa xa là những con người xa xứ không về quê đón Tết đang ngồi cùng nhau, lòng tôi bồi hồi một cảm xúc khó tả.

Có lẽ, ngay lúc này đây, tôi hy vọng, năm tới, gia đình chị Ngát cùng những công nhân kia có thể thực hiện được mong muốn về quê đón Tết của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn