MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết đến nhưng chưa thể về quê, nữ công nhân bật khóc trong nỗi nhớ nhà, nhớ con. Ảnh: Đình Trọng

Nỗi lòng người lao động đón Tết xa quê ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG LDO | 19/01/2023 09:25

Bình Dương - Tại Bình Dương, nhiều gia đình công nhân lao động do bị thất nghiệp, giảm giờ làm khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn không thể về quê đón Tết. Người lao động chấp nhận đón Tết ở Bình Dương để tiết kiệm chi phí, lo cho con cái trong năm mới.

18 năm đón Tết xa quê

Ngày 28 Tết, các khu nhà trọ tại Bình Dương vẫn còn đông công nhân ở. Đây là những trường hợp lao động ngoại tỉnh không về quê đón Tết mà ở lại Bình Dương. 

Những năm trước, người lao động không về quê hầu hết ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc do quá xa xôi. Năm nay, dù quê ở gần, nhiều lao động các tỉnh miền Tây cũng ở lại Bình Dương. Hầu hết họ đều bị giảm giờ làm, mất việc, thu nhập thấp nên không đủ chi phí trang trải khi về quê.

Nhắc đến việc về quê, chị Phan Thị Nữ (quê An Giang, Công nhân Công ty TNHH RIGHT RICH VN) bật khóc vì nỗi nhớ nhà, nhớ con và bao khó khăn trong cuộc sống mà chị phải trải qua năm 2022. "Chồng thì thất nghiệp, một mình đi làm chỉ được 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tôi phải nuôi 3 con ăn học. Dù tằn tiện lắm nhưng cũng thiếu đầu này, hụt đầu kia"- chị Nữ buồn tủi chia sẻ.

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - động viên chị Phan Thị Nữ. Ảnh: Đình Trọng

Tương tự, chị Kim Thị Địch (47 tuổi, quê Thanh Hóa, làm việc công ty may) cũng cho hay, năm nay thu nhập giảm sút, cả gia đình chọn phương án tiếp tục ở lại nhà trọ tại thị xã Bến Cát đón Tết.

"Đây là năm thứ 18, tôi đón Tết xa quê. Năm nay không được tăng ca, thu nhập không bằng mọi năm. Thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương cơ bản, được mấy triệu chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Không có điều kiện nên lại tiếp tục ở Bình Dương đón Tết" - chị Kim Thị Địch chia sẻ.

Dù quê chỉ cách Bình Dương khoảng 160km nhưng anh Huỳnh Chí Tình (42 tuổi, quê Trà Vinh) cũng ở nhà trọ đón Tết. "Năm trước thì bị dịch nghỉ việc nhiều tháng liền. Năm nay, mới làm được 3 tháng thì công ty thiếu đơn hàng, mỗi tuần chỉ làm được 5 ngày. Sau đó, công ty hết việc làm, mình thất nghiệp. Hiện mới đi làm lại, công việc cũng chưa ổn định. Trong khi đó, vợ đang thất nghiệp ở nhà trông con. Về quê, chi phí đi lại, sinh hoạt tốn kém nên mình quyết định ở lại Bình Dương" - anh Tình giãi bày.

Không về quê để tiết kiệm, đóng tiền học cho con

Hầu hết lao động không về quê đều đã có gia đình và con cái. Gánh nặng cuộc sống buộc họ phải đón Tết xa người thân. Việc hạn chế di chuyển, giúp người lao động tiết kiệm chi phí để sang năm sau đỡ khó khăn hơn.

Bà Châu Thị Ngò (64 tuổi, quê An Giang) cũng cho biết, do cuộc sống khó khăn nên ở lại Bình Dương ăn Tết cùng gia đình con gái. "Tôi ở nhà trọ giữ trẻ, con gái và con rể năm nay thất nghiệp quá, nghỉ riết nên không có tiền. Nếu về quê, 1 người cũng phải có ít nhất 4-5 triệu đồng mà tôi chỉ có 1-2 triệu đồng thôi nên phải ở lại nhà trọ ăn Tết. Tôi ở lại thì đỡ tốn tiền hơn, tiết kiệm được ít đồng, ra ngoài Tết đỡ vất vả hơn"- bà Ngò chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tám ở lại Bình Dương để tiết kiệm tiền lo cho con cái ăn học. Ảnh: Đình Trọng 

"Năm nay nghỉ việc nhiều, lương chỉ đủ chi tiêu hàng tháng và không có tiền tiết kiệm. Nếu về quê thì ít nhất cũng cần khoảng 10 triệu đồng. Ăn Tết xa quê thì nhớ bố mẹ, anh em, nhớ không khí Tết. Tuy nhiên, ở lại Bình Dương thì tiết kiệm được một khoản chi tiêu, số tiền này để qua năm đóng học phí, tiền cơm cho các con" - chị Nguyễn Thị Tám (51 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân Công ty TNHH RIGHT RICH VN, Bến Cát) chia sẻ.

"Tôi thì nghỉ thai sản, chồng thất nghiệp. Kinh tế khó khăn, không về quê thì cũng nhớ, nhưng cũng phải chịu thôi. Ở lại Bình Dương, tiết kiệm được khoản tiền xe để dành ra Giêng đóng tiền học cho con. Hy vọng thời gian tới, công việc sẽ ổn định hơn, thu nhập được cải thiện, tết sang năm tôi sẽ về quê" - chị Kim Thị Dung (30 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ hy vọng trước thềm năm mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn