MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Giang trò chuyện với con qua điện thoại video. Ảnh: Bảo Hân

Nỗi niềm công nhân phải gửi con về quê

Bảo Hân LDO | 30/11/2021 13:30
Trước việc trường mầm non, cơ sở trông giữ trẻ phải đóng cửa do dịch COVID-19, nhiều cặp vợ chồng công nhân đã chọn giải pháp gửi con về quê để con an toàn hơn, cũng như để tìm làm việc, kiếm thêm thu nhập… Xa con đã lâu, nhiều vợ chồng công nhân tâm sự rất mong chờ Tết để được về quê, gặp con.

Gửi con về quê vì không có ai trông  

Cách đây hơn nửa năm, anh Giang vẫn đang ở quê cùng với con ở Yên Bái. Anh làm nghề tự do, còn vợ anh một thân một mình làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Công việc tuy không ổn định, nhưng anh có thể chủ động thời gian để chăm sóc con được tốt hơn.  

Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch COVID-19, công việc của anh ngày càng ít đi. Tính đi tính lại, anh đành để con ở nhà cùng với ông bà, rồi lên cùng vợ để đi làm công nhân. Hơn nữa, vợ anh mới mang bầu, nên anh cũng muốn ở gần để chăm sóc vợ. Còn trẻ, anh Giang không gặp nhiều khó khăn xin việc vào một công ty điện tử. Anh Giang thuê một căn phòng trọ mới rộng rãi hơn để hai vợ chồng ở.  

Cũng từng có ý định đưa con lên ở cùng để tiện chăm sóc con, rồi thuê người gần khu trọ trông con, nhưng khi nghĩ đến dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, anh Giang quyết định vẫn gửi cháu ở quê, nhờ ông bà trông. “Ở quê, ông bà chủ yếu ở nhà, ít tiếp xúc với người lạ nên dù sao nguy cơ lây nhiễm ít hơn. Còn ở đây, chúng tôi đi làm, tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ cao hơn. Gửi con đi cho người khác trông thì cũng không an tâm” - anh Giang giải thích.  

Nhiều tháng nay, vợ chồng anh Giang phải xa con. Những ngày chủ nhật hiếm hoi - khi cả 2 vợ chồng đều được nghỉ - nhưng anh Giang và vợ không được gần con - mới 20 tháng tuổi. Hai vợ chồng chỉ biết gọi điện về để được nhìn thấy con. “Đi làm công nhân, việc làm, thu nhập ổn định hơn, nhưng gò bó về thời gian hơn. Lên đây làm công nhân, được gần vợ, nhưng tôi lại phải xa con. Chắc phải Tết, vợ chồng tôi mới được gặp con. Tôi đang rất mong được về để gặp con” - anh Giang tâm sự. 

Nam công nhân này không có ý định gắn bó lâu dài với nghề. Anh dự định khi nào dịch ổn định, lại về quê để tiếp tục làm nghề tự do. Về lâu dài, 2 vợ chồng sẽ về quê. Ở quê đã có nhà, còn nếu đi làm công nhân, xa quê, không biết sẽ phải ở trọ đến khi nào…  

Mong sớm được gặp con  

Cũng giống như vợ chồng anh Giang, vợ chồng chị Thảo (quê ở Hà Giang), thuê trọ tại thôn Nhuế (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng chọn giải pháp gửi con về quê, nhờ ông bà trông.  

Chị Thảo, làm công nhân ở khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nhưng lại trọ cùng chồng ở thôn Nhuế (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chồng chị làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long. Sáng Chủ nhật (29.11), chị Thảo nấu ăn, còn chồng tranh thủ ngủ sau một đêm thức trắng làm việc. Hai con đang được chị gửi về quê. “Thời gian vừa rồi, dịch diễn biến phức tạp, nên tôi quyết định gửi con về quê. Hơn nữa, nếu để con ở cùng, thì sẽ không có ai trông các cháu, không an tâm khi đi làm việc” - chị Thảo nói. 

Vừa rồi, chị Thảo nghỉ cách ly ở nhà 15 ngày; sau đó, 5 ngày nay, chị lại tiếp tục nghỉ làm do công ty ít việc. “Tôi rất lo vì cuối năm mà nghỉ như này thì lương thưởng sẽ ít, mà như vậy thì lấy đâu tiền để nuôi con” - chị Thảo bày tỏ, và mong tiếp tục được đi làm để có thêm thu nhập, lo cuộc sống của các con.  

Thu nhập của chồng chị được khoảng 8 triệu đồng/tháng; trong khi thu nhập của chị thấp hơn, được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, tuỳ tổng thu nhập, anh chị sẽ trích phần để gửi về cho ông bà nuôi con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn