MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi niềm một cán bộ quản lý bảo vệ rừng vừa viết đơn xin nghỉ việc

Phan Tuấn LDO | 11/01/2022 16:01

Đắk Nông - Làn sóng cán bộ bảo vệ rừng ở Tây Nguyên vẫn chưa kết thúc. Thời gian gần đây, tiếp tục có những cán bộ quản lý bảo vệ rừng không chịu nổi áp lực, khó khăn, vất vả, tiếp tục viết đơn xin nghỉ việc…

Điều kiện làm việc của cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Ảnh: Phan Tuấn

Anh Nguyễn Tuấn Anh, một cán bộ quản lý bảo vệ rừng đã có 4 năm công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng vừa viết đơn xin nghỉ việc. Lý do của anh Tuấn Anh đưa ra chỉ ngắn gọn một vài dòng nhưng đã bao quát biết bao khó khăn, vất vả chung của những người làm công tác giữ rừng ở Tây Nguyên.

Đơn trình bày xin nghỉ công tác của anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết, bản thân muốn thay đổi môi trường công việc, muốn tìm một nghề nghiệp mới phù hợp hơn. Bởi lâu nay anh Nguyễn Tuấn Anh đang công tác trong điều kiện xa nhà, đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa, phương tiện thường xuyên hư hỏng, không đáp ứng tốt công việc, nhiệm vụ được giao.

Một nguyên nhân nữa mà anh Nguyễn Tuấn Anh không thể tiếp tục gắn bó với nghề nghiệp mà trước đây mình đã lựa chọn là do thu nhập thấp, không đủ để trang trải đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của gia đình. Trong khi đó, điều kiện làm việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng khó khăn, thiếu thốn, áp lực, không bảo đảm sức khỏe để làm việc lâu dài.

“Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng, hàng năm, áp lực dân di cư tự do là rất lớn, nguy cơ phá rừng cao nhưng lực lượng quản lý của đơn vị lại mỏng, không đủ mạnh để ngăn chặn. Trong khi đó, bản thân tôi luôn đối mặt với nguy hiểm, trách nhiệm cao, nguy cơ bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên hiện hữu” – anh Tuấn Anh chia sẻ.

Theo ông Trương Trường Giang, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng, đơn vị đang quản lý 6.567ha rừng và đất rừng. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính một phần (45%). Còn nguồn thu hàng năm của đơn vị chủ yếu là từ ngân sách và từ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Do nguồn thu hạn hẹp nên mỗi cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở đây chỉ có vài triệu đồng/người/tháng. Mức lương hợp đồng của bảo vệ rừng chuyên trách có bằng đại học khoảng 4,6 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp khoảng 4,2 triệu đồng/tháng; lao động phổ thông khoảng 3,9 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, mỗi người còn được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng tiền xăng xe để đi tuần tra rừng.

Về trường hợp anh Nguyễn Tuấn Anh thì nhà ở xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, ở các xa đơn vị hơn 120km. Anh Nguyễn Tuấn Anh vào làm việc ở đơn vị từ năm 2018, đến năm 2019 thì được xét tuyển vào viên chức. Trước khi viết đơn xin nghỉ việc, mức lương của anh Tuấn Anh chỉ khoảng 5 triệu đồng nhưng suốt ngày ở trong rừng, cả tháng chỉ về thăm nhà được 1-2 lần.

Cũng theo ông Giang, hiện nay, điều kiện làm việc sinh hoạt của cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở  đơn vị hết sức khó khăn. Trước hết, đường sá tuần tra, bảo vệ rừng thì chủ yếu là đường mòn, lối mở nhỏ hẹp, dốc, hai bên là vực thẳm, hầm hố, lầy lội và không có cầu qua các con suối... Do đó, việc đi lại để tuần tra rừng là rất khó khăn, kể cả mùa khô cũng như nắng ráo.

Chưa hết, nơi ở của lực lượng quản lý bảo vệ rừng thì ở trong những ngôi nhà gỗ tạm bợ, xập xệ, không sóng điện thoại, không điện, nước sạch... thiếu thốn đủ bề. Cũng bởi những khó khăn, thách thức này nên từ năm 2017 đến nay toàn đơn vị đã có hơn 15 người xin nghỉ việc, tính riêng năm 2021 đã có đến 5 người" - ông Giang buồn bã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn