MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân sống trong nhà trọ ẩm thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: Hương Hạnh.

Nơi sống gần ao tù, rác thải, công nhân nghĩ cách phòng sốt xuất huyết

Minh Hương - Lương Hạnh LDO | 06/10/2023 17:32

Sống trong những khu trọ giá rẻ, môi trường sống không đảm bảo khi ở gần ao tù, rác thải sinh hoạt,... công nhân càng lo lắng khi dịch sốt xuất huyết đang hoành hành.

This browser does not support the video element.

Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) là nơi tập trung của rất nhiều công nhân ngoại tỉnh. Ở đây ngoài những khu nhà ở dành cho công nhân, các dãy trọ cũng được người dân xây dựng rất nhiều.

Rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình nằm bên cạnh các khu trọ công nhân ở gần Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Hương Hạnh

Xóm trọ công nhân nằm rải rác ở nhà dân, thường được xây dựng từ hơn 10 năm trước nên có phần xuống cấp, cũ kỹ, ẩm thấp. Không khó để bắt gặp kênh mương nước đen ngòm, ao tù hoặc rác thải sinh hoạt bên cạnh các khu trọ.

Xóm trọ công nhân nằm rải rác ở nhà dân, thường được xây dựng từ hơn 10 năm trước nên có phần xuống cấp. Ảnh: Minh Hương.

Hà Nội hiện đã phát hiện 1.029 ổ dịch sốt xuất huyết chỉ tính riêng trong tháng 9, số ca mắc tăng cao khiến nhiều người luôn thường trực với nỗi lo mắc bệnh. Sống ở môi trường không đảm bảo, công nhân lại càng lo lắng khi đối diện với nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao.

Chị Nguyễn Thị Loan - công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh cùng chồng và 2 con nhỏ. Cả gia đình thuê 2 phòng liền nhau, một phòng dùng để nấu ăn, chứa đồ, phòng còn lại ăn uống, nghỉ ngơi.

Xóm trọ nơi chị Loan sinh sống. Ảnh: Hương Hạnh.

Hiểu được sự nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết, hằng ngày chị Loan đều dùng dầu tràm bôi lên người cho các con để tránh muỗi, đi ngủ mắc màn, mua bình xịt muỗi tại nơi đọng nước, ẩm thấp...

Chị Loan cho biết, chính quyền địa phương cũng đến khu trọ phun thuốc xịt muỗi nhưng người thuê không vệ sinh sạch sẽ, muỗi rất dễ sinh sôi.  "Quan trọng vẫn là mình tự phòng tránh, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình" - nữ công nhân nói.

Trong dãy trọ chị Nguyễn Thị Hiến - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long đang sinh sống chưa xuất hiện ca mắc sốt xuất huyết. Nhưng nhờ thường xuyên tìm hiểu thông tin trên báo, đài, chị Hiến nắm khá rõ tình hình dịch trên địa bàn.

Tưởng tượng nếu không may chị hoặc thành viên trong gia đình mắc sốt xuất huyết, chị Hiến rất lo lắng bởi không đi làm thì thu nhập sẽ giảm, đó là chưa kể đến tiền nằm viện, thuốc men, sức khoẻ đi xuống. Do vậy, nữ công nhân luôn đặt tiêu chí vệ sinh sạch sẽ lên hàng đầu.

Theo chị Hiến, giữ gìn vệ sinh chung là yếu tố quan trọng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Hương Hạnh.

"Tôi biết nơi mình thuê cơ sở vật chất xuống cấp, nhà vệ sinh, nơi sinh hoạt cũng sử dụng chung nên không thể đảm bảo sạch sẽ hoàn toàn. Tôi luôn ý thức giữ gìn vệ sinh, không để thức ăn thừa tồn đọng nhưng cũng không tránh khỏi các trường hợp thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo không gian chung được sạch sẽ" - chị Hiến nói.

Chuyên gia Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn