MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những công nhân vất vả trong thời bão giá. Ảnh: Phùng Minh

Nỗi trăn trở của công nhân thời giá cả tăng cao cuối năm

Phùng Minh LDO | 20/11/2022 09:59
Tuyên Quang - Trong thời buổi giá cả leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang buộc phải thắt lưng buộc bụng. Để tiết kiệm đồng lương ít ỏi, nhiều người thậm chí còn không dám về quê sum họp với gia đình.

Sống lay lắt trong thời bão giá

Là công nhân Công ty TNHH MTV Seshin VN2 (Khu Công nghiệp Long Bình An), chị Nguyễn Thị Nga không khỏi nặng lòng khi nhắc đến cuộc sống công nhân.

Mới đi làm lại sau giai đoạn đại dịch COVID-19, chị Nga thấu hiểu những khó khăn mà cuộc sống công nhân trải qua giữa thời giá cả tăng. Chi phí sinh hoạt cao, giá nhà, giá xăng bấp bênh khiến ai cũng muộn phiền.

"Lương hiện tại mỗi tháng được 4 triệu nên cũng chẳng để ra được bao nhiêu. Giờ cái gì cũng đắt đỏ nên cuộc sống vất vả. Thời điểm giá xăng lên cao còn không dám về quê. Phận công nhân nên cũng đành chịu chứ không biết phải làm thế nào", chị Nga chia sẻ.

Các công nhân ở ghép trong các căn nhà trọ cấp 4 để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Phùng Minh

Theo chị Nga, khung cảnh ở những xóm trọ tại các khu công nghiệp đìu hiu hơn trước nhiều. Khi giá cả chưa leo thang, mọi người còn thi thoảng tụ họp, liên hoan. Kể từ sau đại dịch COVID-19, cuộc sống của đa phần công nhân gặp rất nhiều khó khăn. 

Sau mỗi ca làm, những công nhân như chị lựa chọn cách ở trong phòng để hạn chế chi tiêu. Vì đồng lương ít ỏi, cuộc sống chủ yếu gắn liền với công ty và 4 bức tường trong căn phòng trọ, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đối với chị, thời buổi này cứ bước ra đường là lại tốn kém nên hạn chế được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

Cùng cảnh ngộ như chị Nga, chị Nông Thị Thuỷ cũng trăn trở về phận đời công nhân thời bão giá. Là người dân tộc Tày từ Na Hang qua Chiêm Hoá làm thuê, chị Thuỷ phải hạn chế mọi chi tiêu để dành dụm tiền. Hàng tháng, ngoài chi phí sinh hoạt, hai vợ chồng chị phải chắt bóp để gửi tiền về quê nuôi con nhỏ.

"Nhà cách chỗ làm vài chục km nhưng cũng chẳng mấy khi dám về. Lương hai vợ chồng được gần 10 triệu nên cũng chẳng dư giả được mấy. Thời buổi này cái gì cũng đắt nên cuộc sống vất vả, không dám ăn, không dám mặc.

Dành dụm được bao nhiêu thì gửi về quê cho ông bà chăm cháu. Cảnh công nhân nên sợ nhất là mỗi khi tết đến. Đủ thứ chi phí phải nghĩ" - chị Thuỷ chia sẻ.

Bữa cơm của các công nhân thường chỉ có rau, trứng, đậu. Ảnh: Phùng Minh

Trong căn phòng trọ chưa đầy 15m2, cuộc sống của vợ chồng chị Thuỷ bộn bề những lo toan. Mâm cơm thường trực chỉ có rau, dưa, trứng. Theo cách nói hài hước của chị, khi nhận lương thì mới mua ít thịt để ăn cho sang.

Đối với vợ chồng chị Thuỷ, động lực lớn nhất để tiếp tục cố gắng là đứa con nhỏ ở nhà. Vì mưu sinh, hai vợ chồng chấp nhận gửi con cho bà nội để đi làm. Mỗi tháng ngoài các chi phí tiền ăn, tiền nhà, chị để dành khoảng 2 triệu gửi về quê. 

Cũng vì khó khăn nên mỗi lần đi chợ chị Thuỷ phải cân đo đong đếm từng củ dưa, củ hành. Giá thực phẩm tăng cao, để có một bữa ăn đầy đủ không phải chuyện dễ.

Đồng hành với người lao động

Được biết, tiền lương trung bình của công nhân tại Tuyên Quang chỉ vỏn vẹn 5,7 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này còn tương đối thấp so với lương của công nhân các khu vực lân cận. Ngoài ra, tình trạng nợ lương, chậm đóng bảo hiểm vẫn còn diễn ra.

Với số tiền ít ỏi này, người lao động chỉ biết chắt bóp qua ngày. Khi giá cả leo thang, từ tiền nhà, tiền điện cho tới mớ rau cũng tăng giá. Cuộc sống của những mảnh đời công nhân đã vất vả nay lại thêm bộn bề lo toan.

 Nhiều cặp vợ chồng phải sống thắt lưng buộc bụng để có tiền gửi về quê. Ảnh: Phùng Minh

Bà Lý Thị Hải Hiền - Trưởng phòng Lao Động (Sở Lao động - TB & XH Tuyên Quang) cho biết: "Đơn vị đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, đã có 432 người lao động được hỗ trợ kinh phí thuê nhà do đại dịch COVID-19, tổng số tiền hơn 600 triệu.

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng chi trả tiền lương nợ đọng, đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân".

Nói về những khó khăn của công nhân thời bão giá, ông Đỗ Văn Ngọc - Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang khẳng định, công đoàn sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

LĐLĐ tỉnh đã lên phương án hỗ trợ 4.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, công đoàn cơ sở các cấp cũng thường xuyên hỗ trợ, thăm hỏi và động viên các công nhân lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn