MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động ngành may mong muốn không tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: NAM DƯƠNG

Nóng chuyện tăng tuổi nghỉ hưu và giảm giờ làm

NAM DƯƠNG LDO | 04/10/2019 13:50

Không tăng tuổi nghỉ hưu, không tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần, tăng thêm ngày nghỉ. Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị lấy ý kiến cán bộ Công đoàn, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh phối hợp với LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh tổ chức sáng 3.10.

Không tăng ngày nghỉ: Có phú quý giật lùi?

Ông Huỳnh Phát Đạt - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis - nhận xét: Giảm giờ làm thêm là xu thế tiến bộ của xã hội và nhiều nước trên thế giới chỉ còn làm 32 - 36 giờ. Từ hàng chục năm nay, Cty Sanofi Aventis làm 44 giờ/tuần và hiện nay chỉ làm 40 giờ/tuần. “Nếu giảm xuống còn 44 giờ/tuần thì giảm được bất bình đẳng giữa công chức, viên chức và NLĐ về thời giờ làm việc/tuần”, ông Đạt nói.

Bà Phạm Thị Lan - Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch LĐLĐ Quận 6, TP.Hồ Chí Minh - cho hay: Đa số NLĐ đều mong muốn giữ nguyên thời giờ làm thêm như quy định hiện hành. Thực tế có một số NLĐ muốn làm thêm chẳng qua là vì thu nhập làm 8 giờ/ngày không đủ sống.

Ông Nguyễn Thái Thành - Phó Chủ tịch CĐ các KCN-KCX TP.Hồ Chí Minh - cũng cho rằng: “Tiền lương tối thiểu vùng hiện quá thấp. Tổng lương cơ bản cộng với các khoản phụ cấp khác chỉ có 6 triệu đồng/người/tháng nên NLĐ mới muốn tăng ca để kiếm thu nhập, chứ không ai muốn tăng ca cả”. Ông Thành đề xuất cần tính tiền lương tăng ca lũy tiến từ giờ thứ 9 trong ngày trở đi để doanh nghiệp tính toán, hạn chế tăng ca, chứ không phải tính lũy tiến từ giờ thứ 201 sau khi đã đạt mức tối thiểu 200 giờ làm thêm.

Khẳng định chỉ phát biểu với tư cách cá nhân, không đại diện cho cơ quan, ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng Phòng Lao động-Tiền lương và BHXH, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - cho biết, chúng ta chưa có đánh giá tác động của việc làm thêm ảnh hưởng đến bệnh nghề nghiệp thế nào mà tăng giờ làm thêm thì rơi vào tình trạng chưa sướng đã khổ. “Giờ làm tiêu chuẩn của Việt Nam 2.496 giờ/năm, trong khi nhiều nước chỉ khoảng 2.000 giờ/năm, như thế NLĐ không bệnh mới lạ. Do đó, dự thảo cần giữ giờ làm thêm như hiện nay, không nên tăng, như thế cũng nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững” - ông Năm nói.

Về quy định số ngày nghỉ có hưởng lương trong năm, theo ông Năm, Việt Nam chỉ có 10 ngày nghỉ lễ, Tết/năm, trong khi các nước bình quân là 17 ngày/năm, nước cao nhất là 22 ngày/năm. “Theo Sắc lệnh 22/SL ngày 18.2.1946 của Hồ Chủ Tịch, số ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương đã là 18 ngày/năm. Giờ chúng ta chỉ quy định 10 ngày/năm, như vậy phải chăng là phú quý giật lùi?”. Từ đó, ông Năm cho rằng, nên quy định thêm ngày nghỉ trong năm theo Sắc lệnh 22/SL.

Chưa tới 5% công nhân “bò” được tới tuổi hưu

Ông Nguyễn Thanh Minh - Cty TNHH Dệt Thái Tuấn - đưa ra một con số hết sức ấn tượng: “Thống kê trong số khoảng 600 lao động nam, nữ của Cty Thái Tuấn, chỉ có 4-5% số người “bò” được đến tuổi nghỉ hưu. Còn lại bằng cách này, cách khác, NLĐ phải nghỉ việc. Hầu hết lao động ở các DN dệt may, da giày đều là lao động trẻ, hiếm có lao động lớn tuổi. Chúng ta chưa có thống kê toàn cảnh trong các doanh nghiệp tư nhân, nhất là ngành thâm dụng lao động xem số NLĐ được nghỉ hưu là bao nhiêu. Vội vã tăng tuổi nghỉ hưu thì một lực lượng rất lớn NLĐ lớn tuổi không có quyền lợi khi về già, như thế sẽ là gánh nặng cho xã hội. Vì nhiều NLĐ 45 tuổi đã phải nghỉ, nhưng không biết kiếm việc ở đâu, và chẳng doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động trên 45 tuổi. Nhiều CN biết tôi đi dự hội nghị hôm nay đã nói rằng “ngành dệt đã vất vả như thế thì còn tăng tuổi nghỉ hưu, làm sao CN chịu nổi?”.

Đồng tình quan điểm này, đại diện CĐ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phản ánh: “Chúng tôi đi thực tế, nhiều chị em đóng gói thủy sản trong dây chuyền nhiệt độ âm 40 độ C, thì 50 tuổi đã làm không nổi rồi. Giờ tăng tuổi nghỉ hưu, họ không làm được. Thậm chí, có nhiều DN đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu để tuyển dụng được lao động trẻ, đáp ứng được yêu cầu vận hành những máy móc, công nghệ mới”.

Ông Phạm Văn Hoa - Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận Bình Thạnh - bổ sung: Không chỉ NLĐ trong các doanh nghiệp thâm dụng lao động mà các cô giáo cũng không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. “Nhiều giáo viên mầm non nói với tôi, 50 tuổi vào lớp, các cháu đã gọi bằng bà ngoại rồi chứ không gọi bằng cô nữa. Và chúng tôi không thể múa, hát để các cháu vui vẻ đi học nữa”, ông Hoa kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn