MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam (thứ 5 từ phải sang) - chúc mừng Tổ công nhân tự quản ở khu nhà trọ của gia đình ông Lê Khắc Hoan (thôn Thịnh Đại, Xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Ảnh: Bảo Hân

Nữ cán bộ công đoàn vì người lao động

Bảo Hân LDO | 12/10/2020 08:17
Là Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Hà Nam, bà Vũ Thị Minh Phượng luôn tâm niệm phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để từ đó có những giải quyết kịp thời, mang lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đòi quyền lợi cho người lao động

Mới đây, một nữ công nhân (CN) gọi điện đến số của bà Phượng để nhờ tư vấn (số điện thoại của bà Phượng được công khai để công nhân lao động nắm được). Nữ CN này cho biết, con của chị năm nay đã 3 tuổi nhưng chị vẫn chưa đòi được tiền thai sản. Hỏi sâu hơn, nữ CN này cho hay, trước đây, mặc dù cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã chuyển tiền thai sản về công ty để công ty chi trả cho người lao động (NLĐ), nhưng công ty lại vin vào tình hình sản xuất khó khăn để chiếm dụng tiền của CN. Không chỉ một trường hợp, công ty còn chiếm dụng nhiều trường hợp khác.

Sau khi nắm được thông tin, bà Phượng đã gọi điện đến công ty (thông qua cán bộ phụ trách nhân sự), yêu cầu công ty phải chi trả quyền lợi hợp pháp, chính đáng này cho NLĐ, nếu không Công đoàn (CĐ) sẽ hỗ trợ, hướng dẫn NLĐ làm đơn gửi thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) để làm rõ vụ việc. Công ty sau đó đã phải chi trả số tiền thai sản mà chiếm dụng bất hợp pháp cho NLĐ.

Những vụ việc CN bị công ty xâm hại quyền lợi luôn được bà Phượng quan tâm giải quyết dứt điểm. Cuối năm 2019, có khoảng 50 nữ CN đang mang thai, nuôi con nhỏ bị một công ty không ký tiếp hợp đồng lao động (HĐLĐ) khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Công ty này chỉ ký hợp đồng 1 năm với CN vào thời điểm tránh được thưởng Tết (cả 2 lần) cho CN, rồi sau đó không ký tiếp HĐLĐ mà tuyển dụng những NLĐ khác.

Trước “chiêu trò” lách luật này, bà Phượng đã đặt lịch làm việc với giám đốc và phân tích cho doanh nghiệp (DN) rằng NLĐ có nhu cầu việc làm, muốn gắn bó với công ty; tổ chức CĐ cũng luôn tuyên truyền NLĐ cần gắn bó với công ty. Trong khi đó, công ty vẫn cần tuyển dụng lao động, chứ không phải gặp khó khăn trong sản xuất. Vì vậy, nếu công ty còn tiếp tục có “chiêu trò” như này, CĐ sẽ tuyên truyền rộng rãi thông tin đến với CNLĐ qua nhiều kênh để họ nắm được và “né” đến tuyển dụng tại công ty. Trước áp lực của CĐ, công ty đã tiếp tục ký HĐLĐ đối với 50 CN đang mang thai, nuôi con nhỏ.

Những năm gần đây, bà Phượng đã trực tiếp làm việc, đàm phán với chủ DN để giải quyết cho trên 250 CN nữ mang thai và nuôi con nhỏ không bị chấm dứt HĐLĐ; đồng thời bảo vệ nhiều cán bộ CĐCS để họ không bị trù dập khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho CNLĐ tại cơ sở.

Nhiều hoạt động hướng về NLĐ khó khăn

Không chỉ vậy, bà Phượng còn thường xuyên ăn cơm ca cùng NLĐ để nắm được chất lượng bữa ăn ca của họ; đàm phán, thương lượng với chủ DN tăng giá trị suất ăn ca để đảm bảo sức khỏe cho CNLĐ. Đến nay, các DN trong KCN có mức ăn ca tối thiểu là 17.000 đồng/suất và cao nhất là 35.000 đồng/suất.

Ngoài ra, thời gian qua, khi CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của bà Phượng, CĐ các KCN tỉnh đã phối hợp vận động các cơ quan, cá nhân tổ chức ủng hộ gạo, xây dựng kế hoạch phát gạo qua cây ATM tại 2 KCN với trên 60 tấn gạo hỗ trợ cho 6.000 CNLĐ. Cùng với đó, sau khi báo cáo và được Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Hà Nam hỗ trợ 200 triệu đồng và vận động quyên góp cùng với việc tiết kiệm hoạt động từ ngân sách CĐ, CĐ các KCN tỉnh đã tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” hỗ trợ 5.000 suất quà cho 5.000 CNLĐ khó khăn. CĐ các KCN tỉnh còn vận động 35 chủ nhà trọ giảm giá từ 20%-50% cho CN các khu nhà trọ (trị giá tiết kiệm được cho CN trên 300 triệu đồng/3 tháng 4, 5, 6.2020).

Chia sẻ với phóng viên, bà Phượng cho rằng, đối với cán bộ CĐ, hay bất cứ ai đi chăng nữa, dân vận chính là trong cuộc sống hàng ngày phải nói làm sao để người nghe tâm phục khẩu phục. “Cán bộ CĐ phải làm sao để CN hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình, tuân thủ kỷ luật, tác phong, có những việc làm đúng đắn, từ đó được hưởng những lợi ích thiết thực. NLĐ đơn giản là chỉ mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định, có chỗ dựa là tổ chức CĐ để yên tâm làm việc” - bà Phượng chia sẻ.

Về công tác dân vận với lãnh đạo DN, theo bà Phượng, cần phải làm cho DN hiểu, trước hết tối thiểu là DN phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; còn nếu trên luật thì tốt hơn nữa. “Phải làm sao để DN không lách luật, chi trả đúng, đủ và phải quan tâm đến NLĐ” - bà Phượng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn