MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân Lê Thị Oanh đã đón Tết tại Việt Yên, Bắc Giang trong suốt 10 năm. Ảnh: Hạnh Chi.

Nữ công nhân 10 năm không trở về quê ăn Tết

HẠNH AN - QUẾ CHI LDO | 09/02/2024 08:01

10 năm nay, nữ công nhân Lê Thị Oanh đã đón Tết tại Việt Yên, Bắc Giang thay vì về quê đoàn tụ cùng gia đình. Đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của mẹ con chị, sau nơi "chôn rau cắt rốn" tại Thanh Hoá.

Gặp phóng viên Báo Lao Động vào những ngày Tết Nguyên đán 2024, chị Lê Thị Oanh (SN 1982) xúc động, nước mắt lăn dài trên má khi được hỏi: “Tại sao Tết năm nay chị không về quê?”. Phải mất khoảng 5-10 phút, chị mới bình tĩnh trả lời phóng viên.

Chị Oanh là mẹ đơn thân, cùng con nhỏ xách ba lô từ Thanh Hoá đến thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xin làm công nhân. Chị là lứa công nhân đầu tiên của một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Đình Trám (thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Tại đây, chị chăm chỉ làm việc, mong sao con trai có cuộc sống ấm no, đủ đầy. 10 năm trôi qua cũng là 10 năm chị đón Tết tại Bắc Giang, không trở về quê đoàn tụ ăn Tết cùng gia đình.

"Hai mẹ con ăn Tết ở Bắc Giang nhiều năm, thành người bản địa, cũng đã quen với chuyện này rồi" - chị Oanh nghẹn ngào, nói.

Tâm sự với phóng viên, nhiều lần chị Oanh phải dừng lại vì bật khóc. Ảnh: Hạnh Chi.

Đôi mắt đỏ hoe, hai bàn tay bấu chặt vào nhau, tránh nỗi xúc động dạt dào khiến bản thân lại bật khóc, chị Oanh kể, từ khi dịch COVID-19, nhiều công nhân như chị thường xuyên bị giảm giờ làm; có tháng phải nghỉ việc, không được hưởng lương.

Năm 2023, chị được đi làm ca hành chính, không được làm thêm dù chỉ một giờ đồng hồ. Thu nhập giảm sút, từ 8-9 triệu đồng/tháng chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng.

Bước sang năm 2024, chị được đi làm đều đặn hơn, mức lương cơ bản cũng được tăng từ 4,7 triệu đồng/tháng lên 5 triệu đồng/tháng, đủ để hai mẹ con chị chi tiêu.

Theo nữ công nhân quê Thanh Hoá, tiền lương một tháng chị dùng để chi tiêu nhiều khoản. Tiền thuê trọ ngốn của chị hơn 1 triệu đồng; tiền điện, nước mất vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Ngoài ra, tiền học phí, xăng xe, chi tiêu lúc ốm đau cũng khiến chị không dư giả được đồng nào.

Một năm, chị Oanh thường đưa con về thăm ông bà các dịp nghỉ 30.4, 1.5 và nghỉ hè. Chỉ riêng dịp Tết, 2 mẹ con chị ở lại Bắc Giang nghỉ ngơi, đón Giao thừa trong phòng trọ, không trở về quê hương. Ngoài lí do còn khó khăn về kinh tế, chị Oanh chỉ lắc đầu nguầy nguậy: "Cháu nó cũng lớn rồi, hiểu cái khó của mẹ".

Chiều 28 Tết Âm lịch, chị đưa con trai đi chợ sắm Tết, thêm một bộ quần áo mới, một đôi giày mới. Còn chiều 30 Tết, chị sẽ nhận được một cặp bánh chưng chủ trọ tặng.

Chị Oanh tâm sự: "Phòng trọ nhỏ, cũng chả có gì cần sắm. Nếu sắp mâm ngũ quả cũng không có chỗ để bày. Tôi ở đây lâu rồi nên cũng có hàng xóm, con trai cũng có bạn bè nên cũng đỡ buồn hay tủi thân".

Nói về ước nguyện trong năm mới, chị Oanh chỉ mong sao sớm mua được một căn nhà ở đây, hai mẹ con xác định sẽ định sinh sống lâu dài tại Bắc Giang.

Chị Oanh là 1 trong nhiều công nhân được tham dự chương trình “Tết không xa nhà” cho công nhân, lao động không về quê đón Tết được Liên đoàn Lao động thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Ông Lê Đức Thọ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Hạnh Chi.

Ông Lê Đức Thọ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang - động viên, chúc công nhân đón Tết đầm ấm mặc dù không được về cùng gia đình. Ông cũng mong công nhân có thu nhập cao hơn trong năm 2024 để có đời sống cao hơn; mong chủ nhà trọ có chính sách giảm tiền nhà trọ cho công nhân.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã tặng quà, cùng với công nhân, lao động đón Tết; để công nhân cảm nhận được công đoàn thực sự là "Tổ ấm" của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn