MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Toan lo lắng về đứa con thứ 2 đang ốm. Ảnh: Phương Quỳnh

Nữ công nhân khu công nghiệp: Những bà mẹ mang trọng trách “hai vai”

Tú Quỳnh - Đỗ Phương LDO | 19/10/2020 08:43
Con ốm đau, bản thân mệt mỏi, nhưng với những người mẹ là nữ công nhân khu công nghiệp mà chúng tôi có dịp nói chuyện, họ chính là hiện hữu của đức hy sinh cao cả. Vì con, họ có thể làm tất cả.

Tất cả vì con

Theo sau chiếc xe đẩy, chị Kiểm (36 tuổi) bước đi chậm rãi, cạnh chị còn đứa con trai đi chưa vững. Bóng dáng mẹ con chị khuất dần vào con ngõ trong một ngày thời tiết trở lạnh và có mưa.

Mấy năm trước, chị Kiểm bén duyên với chồng rồi về làm dâu tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Khi đó, chị là CN cho một Cty điện tử thuộc Khu Công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Hai vợ chồng chị đều chung cảnh không còn bố mẹ ruột bên cạnh, phải tự thân bươn chải.

Năm 2017, chị Kiểm sinh con gái đầu lòng. Con sinh ra khoẻ mạnh, có đôi mắt to, tròn và sống mũi cao. Nhưng khi được 2 tháng tuổi, con bắt đầu khóc nhiều, chỉ nằm một chỗ, ít vận động.

“Con khóc nhiều, xong lại rất ngoan nên vợ chồng cũng chưa đưa con đi khám. Hết 6 tháng nghỉ thai sản, tôi gửi con ở nhà, đi làm trở lại bình thường” - chị Kiểm nói.

Thế nhưng, đến khi con được 8 tháng tuổi, con càng khóc nhiều hơn, cả ngày lẫn đêm. Chị đưa con đi khám mới phát hiện con bị chậm phát triển tâm thần vận động, theo dõi bại não. Một cảm giác tội lỗi xuất hiện trong chị. “Phải chăng ngày trước, mình đưa con đi khám sớm hơn” - chị kể.

Quyết định xin nghỉ hẳn việc ở Cty, chị Kiểm bắt đầu hành trình đưa con đi viện tập vật lý trị liệu. Con khóc nhiều, không làm được việc gì, chị Kiểm rơi vào cảnh mệt mỏi, cơm không muốn ăn, chị cận kề hơn với trầm cảm. Nhưng, đứng trước ánh mắt trong trẻo, nụ cười ngây thơ của con, chị càng quyết tâm phải cố gắng để con mình được như bao đưa trẻ khác.

Chị nhớ lại: “Có một thời gian tôi gom góp thuê trọ trong nội thành, sáng đưa con đi tập ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chiều đi tập ngoài. Nhưng khi đó, tôi cũng mang bầu đứa con thứ hai nên một thời gian ngắn sau, tôi không thể cho con đi tập nữa, mà cho về nhà tự tập”.

Suốt 3 năm qua, công việc hằng ngày của chị Kiểm là chăm con ăn, uống, đi vệ sinh. Năm ngoái, chị có nhận trông thêm 1 đứa trẻ để có thêm thu nhập 1 triệu đồng/tháng lo cho con. Với chị, niềm hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy các con ngoan ngoãn, ăn được, ngủ được. Những bộ đồ chị mặc trên mình đã cũ kỹ, xộc xệch, nhưng có vẻ như chị không mấy bận tâm.

Vừa làm mẹ, vừa làm... cha

Chị Nguyễn Thị Toan 37 tuổi, quê Thiệu Khánh, Thanh Hoá, từng làm ở bộ phận cắt kính, Cty Samsung Electronics Việt Nam (Thái Nguyên). Nhưng do mắt kém nên chị đành nghỉ giữa chừng. Hiện, chị đang sống cùng 2 người con. Con trai đầu 14 tuổi, con gái thứ hai ít hơn 2 tuổi.

Nói về đứa con trai đầu, chị cho biết, đây là con của chị gái ruột. Bố nó mất khi nó chưa ra đời, mẹ sinh con xong cũng mất luôn. Thương cháu mồ côi, chị đã nhận nuôi thằng bé và coi như con ruột của mình.

“Dì như mẹ” - chị Toan muốn ở vậy nuôi con khôn lớn. Nhưng cuối cùng vì không muốn lời ra tiếng vào của mọi người ảnh hưởng đến gia đình, con trai học lớp 4, chị gửi con về đằng nội và đi lấy chồng. Về sau, khi cuộc hôn nhân trục trặc, chị quyết định rời xa quê, đón con trai lên Hà Nội nuôi ăn học.

“Nó ở với ông bà, có thể đầy đủ vật chất hơn nhưng không thể lo lắng, chăm chút, dạy bảo từng chút một được, nên tôi đón nó lên Hà Nội ở cùng. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” - chị Toan nói.

Hiện, chị Toan đang thuê trọ ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị tận dụng khoảng sân trước phòng trọ để mở bán cháo. Ba mẹ con chị tự chăm sóc nhau. Đứa con gái út của chị bị viêm phổi nên hay ốm, khiến công việc bán hàng cũng bị gián đoạn. Được một hôm bán thì mất 3-4 hôm nghỉ để đưa con đi viện truyền và lấy thuốc. Vì vậy, chi phí lo cho các con đối với chị đều rất eo hẹp. Mọi việc từ lớn đến nhỏ, đều đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ dáng gầy nhỏ nhắn. Chị “đóng vai” 2 người bố, 2 người mẹ để chăm sóc, nuôi nấng 2 đứa con.

Trò chuyện với chúng tôi, mắt chị thi thoảng lại rưng rưng khi nhắc về các con - đủ để hiểu tình yêu mà người mẹ này dành cho các con của mình lớn nhường nào.

“Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, biết mẹ không có tiền, thằng bé lớn chẳng bao giờ đòi hỏi mẹ món này món khác. Hai năm nay rồi chị cũng chưa biết mua quần áo là gì. Quần áo của 3 mẹ con đều được mọi người cho hoặc chị đi xin.

“Tôi chịu vất vả hay làm gì cũng được, chỉ mong sao 2 đứa con thành người và khoẻ mạnh. Nhiều người còn khổ hơn tôi rất nhiều. Tôi còn sức khoẻ nên vẫn có thể lao động nuôi mình và các con” - chị Toan cho hay.

Chị nói nhỏ, tiền học phí của con đầu đang còn nợ nhà trường, hôm rồi chị mới gặp thầy giáo xin thầy “cho mẹ cháu” trả dần từ đây đến cuối năm.

Biết hoàn cảnh của 3 mẹ con nên ai cũng đồng cảm. Thi thoảng mọi người lại cho ít gạo, quần áo hay thức ăn. Chị Toan nghĩ lại thời gian có dịch COVID-19, hàng quán ế ẩm, ở đâu có phát gạo miễn phí, chị đều đến nhận. “Nhờ có gạo được hỗ trợ mà tôi cùng các con sống qua ngày tháng đó” - chị trải lòng.

Đã rất nhiều năm rồi chị không dám về quê vì không có tiền. Nhiều lúc chị tuyệt vọng, vì tiền trong túi rỗng, nhất là khi con ốm đau. Nhưng vì các con chị lại phải nuốt nước mắt vào trong. Niềm an ủi hiện tại với chị là có sức khoẻ, cậu con trai đầu ngoan, rất thương mẹ và em. “Tôi nghĩ bây giờ mình khổ nhưng sau này sẽ được bù đắp thì sao? Ông trời không lấy hết của ai bao giờ - tôi tin là vậy” - chị Toan hy vọng.

Nói vậy, nhưng có lẽ phần nào đó trong chị Toan vẫn luôn trăn trở về sự khổ cực, lầm lũi của mình. Để rồi, cái tên Toan đã được chị đổi gọi thành Phương - như vậy cho đỡ khổ. Mọi người ở đây cũng đã quen gọi chị với cái tên ấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn