MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học Yoga của chị Thanh Quý (ngoài cùng bên trái) cùng nhiều chị em phụ nữ khác. Ảnh: NVCC

Nữ công nhân lao động và bí quyết để xây dựng hạnh phúc gia đình

ĐỖ PHƯƠNG LDO | 29/06/2019 07:02

Nhân Ngày gia đình Việt Nam 28.6, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với một số cán bộ, công nhân (CN), viên chức về quan niệm phụ nữ hiện đại cần phải làm gì để vừa chăm sóc bản thân tốt vừa có thể chăm lo cho gia đình.

Phụ nữ là phải hy sinh?

Có một số quan niệm cho rằng, người phụ nữ trong gia đình phải chăm lo chu toàn cho tất cả các thành viên, hy sinh nhiều cho gia đình nhưng thường quên đi bản thân. Khi chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Quý - đoàn viên CĐ đang làm việc tại BIDV Ba Đình, Hà Nội - bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm phụ nữ phải hy sinh cho gia đình và quên đi bản thân. Vì theo chị Quý, bản thân người phụ nữ còn chưa chăm sóc tốt được thì làm sao có thể lo được cho ai.

“Là phụ nữ, ai cũng hết lòng yêu thương và chăm sóc gia đình. Nhưng phụ nữ hiện đại ngoài việc chăm lo tốt cho chồng con, họ vẫn phải đi làm kiếm tiền để nuôi con và cùng chồng trang trải cho cuộc sống. Vì vậy, người phụ nữ đừng nên ngược đãi bản thân mình, đầu tư cho sức khỏe và sắc đẹp luôn là khoản đầu tư xứng đáng nhất. Sắc đẹp là thứ đầu tiên mà tạo hóa ban cho phụ nữ nhưng cũng là thứ đầu tiên mà thời gian lại lấy đi của phụ nữ. Tuổi tác không phải cái cớ, cho dù bạn ở độ tuổi nào cũng cần phải chăm sóc bản thân mình thật tốt vì phụ nữ có 3 việc không thể bỏ qua được, đó là: Học hỏi, xinh đẹp và kiếm tiền” - chị Quý nói.

Cùng quan điểm với chị Quý, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ quan Bảo hiểm và Xã hội Việt Nam - cho rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay, người phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội, được tiếp cận hằng ngày với thông tin truyền thông, nhận thức về bình đẳng giới cũng ngày càng rõ hơn. Người phụ nữ ngày càng có điều kiện, kiến thức để chăm sóc bản thân hơn. Bởi vì, họ có khỏe thì mới chăm sóc được gia đình, họ có đẹp thì ắt hẳn sẽ tự tin hơn, họ có trí tuệ thì cơ hội việc làm và cơ hội thăng tiến sẽ thuận lợi hơn, thu nhập sẽ cao hơn. Từ đó, chị em phụ nữ mới càng có điều kiện chăm lo cho gia đình.

Phụ nữ đừng một mình ôm lấy việc!

Không đồng tình với quan điểm phụ nữ là phải hy sinh, vậy phụ nữ hiện nay phải thế nào để làm tốt cả hai vai trò: Chăm lo tốt cho gia đình mà vẫn chăm sóc chính mình?

Chị Thanh Quý cho hay: “Hầu hết phụ nữ ngày nay đều biết chăm sóc sức khỏe, trí tuệ và sắc đẹp cho bản thân. Những lớp học như Yoga, làm bánh, cắm hoa tôi tham gia có khá đông các chị em theo học. Để có thời gian làm những việc mình thích, theo tôi cần có một kế hoạch và lịch trình linh hoạt - đó là cách duy nhất để cân bằng công việc và gia đình. Bạn có thể sắp xếp thời gian biểu hợp lý để có đủ thời gian làm tốt cả “việc nước lẫn việc nhà”. Tôi cảm thấy may mắn khi chồng cùng san sẻ công việc gia đình, do đó ngoài lịch làm việc dày đặc ở cơ quan, hay chăm sóc con, tôi vẫn có thời gian tập Yoga 3 buổi/tuần và 1-2 buổi đi spa hoặc cafe với bạn bè”.

Còn chị Ánh Tuyết bày tỏ, chăm lo cho gia đình không có nghĩa là một mình ôm lấy và làm tất cả việc nhà. Người phụ nữ phải biết quán xuyến công việc gia đình, phân công, nhắc nhở các thành viên đóng góp công sức để cùng làm việc nhà, phải rèn luyện cho các thành viên về trách nhiệm đối với gia đình. Ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp làm việc nhà chứ không thể dồn hết lên vai người phụ nữ. Việc này hai vợ chồng cần thống nhất và phân công khi các con còn nhỏ để tạo thành nếp gia đình.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Để duy trì tổ ấm của mình, tôi thường xuyên duy trì bữa cơm gia đình, nói chuyện với chồng con hằng ngày, hỏi thăm, chia sẻ công việc. Vào dịp lễ, ngày nghỉ hoặc có sự kiện gì đó, cả nhà mới đi ăn ngoài để thay đổi không khí. Không ai sinh ra đã hoàn hảo, vợ chồng vì nhau mà phù hợp và trở nên hoàn hảo thôi. Vì thế, tôi cho rằng, mỗi mái ấm gia đình có được niềm vui, hạnh phúc không thể thiếu được bàn tay chăm lo của người phụ nữ” - chị Tuyết nói.

Ở một câu chuyện khác, chị Khương Thị Xuân (quê Thanh Hoá, CN KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) khi được chúng tôi hỏi về Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, chị liền chép miệng: “CNLĐ làm tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, phải đi làm quần quật cả ngày, nên tôi không để ý mấy ngày kỷ niệm trong năm. Do hai vợ chồng tôi đều làm CN, con cái gửi ở quê cho ông bà trông. Đối với tôi, Ngày Gia đình không phải là những ngày có nêu trên lịch mà đó là những ngày vợ chồng được nghỉ làm, về quê thăm con, thăm bố mẹ, rồi cùng nhau ăn bữa cơm quây quần hay chỉ là những buổi đưa con đi chơi, mua cây kem hay cái cặp mà chúng thích... Nhưng những dịp này chỉ rất ít, chỉ diễn ra vào lễ, Tết được nghỉ dài ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn