MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Trần Thị An và con bên trong căn phòng chật chội, tồi tàn. Ảnh: Bảo Hân

Nữ công nhân nhà trọ: Điện thoại là phương tiện giải trí duy nhất

Bảo Hân LDO | 21/07/2020 08:15
“Ngoài giờ nghỉ, tôi chỉ ăn, ngủ với xem điện thoại, cuối tuần ra ngoài ngõ làm cốc trà sữa, trà chanh “chém gió” với mấy chị em làm cùng công ty” - chị Hồ Thị Thuỷ (trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) nói như trên khi được hỏi nữ công nhân nhà trọ làm gì để giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi.

“Thắt lưng buộc bụng” 

Sinh năm 1988, quê Nghệ An, trước khi ra Hà Nội, chị Thuỷ có thời gian làm công nhân (CN) ở Bình Dương hơn 1 năm. Tuy nhiên, do quá xa quê, đi lại khó khăn, có khi cả năm mới về được 1 lần, nên chị quyết định “Bắc tiến”. Chị làm CN tại KCN Bắc Thăng Long đã được 2 năm nay.

Trước khi xảy ra dịch COVID-19, tổng thu nhập của chị được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Vài tháng gần đây, do công việc ít đi, công ty (Cty) chỉ làm theo ca, không tổ chức làm thêm, nên tổng thu nhập chỉ còn khoảng 6 triệu đồng.

Với mức thu nhập ít ỏi, lại với tính cách tiết kiệm, nên dễ hiểu, bữa ăn của chị rất đơn giản. Một buổi trưa giữa tháng 7.2020, khi tôi đến, bữa ăn của chị Thuỷ để chuẩn bị trước khi vào làm ca chiều chỉ là mỳ ăn liền. Điệp khúc “mỳ ăn liền” này lặp lại rất nhiều lần trong tuần.

Trong căn phòng trọ chật chội với giá thuê 500.000 đồng/tháng, không có tivi cũng như sách, báo. Như nhiều CN khác, phương tiện để giải trí của chị chỉ qua chiếc điện thoại thông minh: Từ xem phim, nghe nhạc, nói chuyện với bạn bè… Đôi khi, vào ngày cuối tuần, chị cùng với bạn đi xe máy vào nội thành Hà Nội để xem phim, ăn lẩu… nhưng rất hãn hữu vì khá tốn tiền so với thu nhập của CN như chị. Vì vậy, ngoài giờ đi làm, thường là chị ngủ để lấy lại sức khoẻ…

Căn phòng trọ của chị Bùi Thị Phương Lan (CN Công ty SEI) ở gần đó cũng không tivi, sách báo, và nữ CN độc thân này cũng chỉ có duy nhất chiếc điện thoại thông minh là phương tiện giải trí. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, chị hay trò chuyện với những chị em ở trọ cùng.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của chị Lan giảm xuống chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng, so với trước đây là 7-8 triệu đồng/tháng. Chị phải gửi tiền về quê giúp bố mẹ, chỉ để cho mình số tiền đủ để trang trải sinh hoạt hàng ngày. Thời gian này, trời nắng nóng, phòng trọ lúc nào cũng như “lò thiêu”, nhưng chị không dám mua điều hoà bởi đó là món tiền khá lớn. Chị không dám có những thú vui như những người con gái ở độ tuổi như chị có; còn mua mỹ phẩm để làm đẹp cho bản thân khá hãn hữu… 

Vừa đi làm, vừa địu con 

Trong căn phòng trống huơ trống hoác, chỉ có duy nhất chiếc giường, túi đựng quần áo, vài chiếc xoong, nồi, bát đĩa và một số đồ dùng lặt vặt khác, chị Trần Thị An đang trông đứa con nhỏ gần 1 tuổi của mình. Chị An quê ở Yên Bái, đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung.

Trước đây, chị làm CN xây dựng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị mất việc. Chị muốn đi làm nhưng không biết gửi con ở đâu. Do có người em họ ở thôn Hậu Dưỡng, chị đành “tách” chồng để sang thuê trọ ở đây với giá 500.000 đồng. Vậy là, hiện nay, gia đình chị mỗi người một nơi. Chồng chị chạy xe ôm công nghệ tại khu vực Cổ Nhuế, Hà Nội; còn con lớn đang ở quê. Không tìm được việc làm ổn định, chị đành đi rửa bát, bó hoa thuê.

“Họ trả công rẻ lắm, nhưng tôi vẫn phải làm để có tiền: Mỗi một giờ rửa bát hoặc bó hoa, tôi được trả 20.000 đồng. Trung bình, tôi kiếm được 70.000-80.000 đồng/ngày” - chị An chia sẻ. Mỗi khi đi làm, chị phải gửi con cho người em họ. Nếu người em họ bận việc, chị phải địu con đi làm cùng mình. 

Thu nhập của bản thân rất thấp, thu nhập của chồng chị cũng chỉ 5 triệu đồng/tháng, vì vậy, chị buộc phải sống tằn tiện. Phòng trọ nơi chị sống, cũng như rất nhiều nhà khác, không có tivi. Chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền là thứ duy nhất để chị giải trí (nếu có thời gian) sau những mệt mỏi mưu sinh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn