MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Lý bên con trai thứ hai, còn đứa lớn gửi ở quê. Ảnh: P.Quỳnh

Nữ công nhân với Tết Trung thu xa con

Đỗ Phương - Tú Quỳnh LDO | 01/10/2020 10:00
Dịp Trung thu đến, nữ công nhân (CN) bật khóc vì không thể bên con. Bởi cuộc sống CN xa nhà, thuê trọ ở TP.Hà Nội quá khó khăn nên họ đành phải gửi con về quê để nhờ gia đình ở quê chăm sóc.

Nữ công nhân rủ nhau mua bánh Trung thu

Vì nhiều lý do, nhiều bố mẹ là CN không được sống gần con. Chị Nguyễn Thị Lý (SN 1985) - công nhân Công ty (Cty) TNHH Linh Kiện Điện Tử SEI, Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội - là một trong những người rơi vào hoàn cảnh đó.

Khi chúng tôi hỏi về một cái Tết Trung thu trọn vẹn cho những đứa con của chị, chị chẳng thể kìm lòng. Trong căn phòng trọ rộng 15m2, chị Lý kể, vợ chồng chị có hai con trai, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới 6 tháng 20 ngày. Khi chưa nghỉ sinh, hằng ngày chị Lý đến Cty, còn chồng chạy xe máy vào nội thành làm lao động tự do. Độ trước, cả gia đình 4 người cùng sống với nhau. Nhưng vì điều kiện sống khó khăn, mức thu nhập không đủ để đảm bảo cho con theo học trên này, hai vợ chồng phải gửi con trai lớn về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc.

Từ ngày con trai đầu được ông bà ngoại đón về quê ở Nghệ An chăm sóc và cho đi học, vợ chồng chị Lý vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống, nhưng nỗi nhớ con không khi nào nguôi. Cũng bởi vậy, mỗi lần nhắc đến con, nước mắt chị Lý lại rơi. Chị nói, bố mẹ nào cũng muốn được ở gần con, chỉ có điều, hoàn cảnh không cho phép nên phải chịu. “Khi con còn ở cùng, mỗi dịp Tết Trung thu, vợ chồng tôi đều tranh thủ buổi tối chở con đi chơi hay mua đèn Trung thu” - chị Lý cho hay.

Năm nay, con về quê, chị Lý chỉ có thể đặt mua bánh Trung thu gửi về. Chị mong con sẽ có một cái Trung thu trọn vẹn hơn, dù thiếu vắng bố mẹ bên cạnh. “Mấy hôm trước, tôi gửi bánh về quê, ông bà gọi điện ra nói bé Thành vui lắm. Nghe vậy, tôi lại khóc. Khóc vì thương con còn nhỏ đã phải sống xa bố mẹ, xa em. Khóc vì mình nghèo quá, không cho con được cuộc sống đủ đầy hơn” - chị Lý nghẹn ngào.

Chị Lý cũng chia sẻ thêm, đa số những CN có con trong độ tuổi đi học đều phải gửi con về quê do thu nhập eo hẹp. Cũng bởi vậy, vào dịp Trung thu, xóm trọ CN hầu như đều không tổ chức phá cỗ cho các con.

Như năm nay, những người ở xóm trọ nơi chị Lý sống cùng rủ nhau mua bánh Trung thu gửi về cho các con. “Mọi người rủ nhau mua bánh Trung thu vì nhiều người cùng mua sẽ được giá rẻ hơn. Dù không phải món quà to tát, nhưng mỗi chiếc bánh đều chứa đựng tình cảm mà bố mẹ CN nghèo muốn gửi tới con ở nơi xa” - chị Lý nói.

Quyết không rời công ty

Gạt đi nỗi nhớ đứa con đầu vì Trung thu không thể ở bên, chị Lý lại lo lắng về sức khoẻ của đứa con thứ 2. Mấy ngày nay, con bị ho, đêm lại khó chịu, quấy khóc ngủ không ngon. Nếu phải đưa con đi trạm xá, có lẽ chị phải vay tiền của hàng xóm vì cuối tháng chưa có lương.

Chị Lý cho biết, xa quê để đến thành phố mưu sinh, nhiều lúc trong túi chẳng có đồng nào, ở đây cũng không biết bám víu vào ai. Những lúc đó, nhà chị chỉ còn mỗi gạo để thổi cơm. Thời gian này dịch COVID-19 triền miên, công ty ít việc nên không được tăng ca như đợt trước.

Mỗi tháng, lương của chị Lý được 4,8 triệu đồng, trong khi gửi con nhỏ đã hết 3 triệu đồng. “Chồng tôi bảo tôi cứ nghỉ công ty, ở nhà trông con rồi kiếm gì bán thêm. Nhưng nếu tôi nghỉ việc, mọi gánh nặng sẽ đổ dồn lên vai chồng. Không chỉ vậy, người phụ nữ dù làm ra nhiều tiền hay ít tiền, cũng nên có công việc riêng” - chị Lý chia sẻ.

Chia tay chúng tôi, chị không quên nói về dự định tương lai. Có thể năm sau thôi, chị sẽ đón con đầu lên ở cùng. Chị sẽ cố gắng xin cho con vào học ở trường công để giảm bớt chi phí. Chị cũng bảo sẽ bán thêm trứng, hoa quả trên mạng để thêm đồng rau, đồng cháo cho con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn