MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nữ công nhân với tình thương con vô bờ bến...

Minh Phương - Tú Quỳnh LDO | 18/10/2020 14:58
Những người phụ nữ là công nhân có thể không cho con một cuộc sống vật chất đủ đầy, nhưng họ có thể làm tất cả vì con và dành cho con những gì tốt đẹp nhất.

Theo sau chiếc xe đẩy, chị Kiểm (36 tuổi) bước đi từng bước chậm rãi, cạnh chị còn đứa con trai đi chưa vững.

Mấy năm trước, chị Kiểm vẫn là công nhân cho một công ty về điện tử thuộc Khu Công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Hai vợ chồng chị đều chung cảnh không còn bố mẹ ruột bên cạnh, phải tự thân bươn chải.

Chị Kiểm bên các con của mình. Ảnh: P.Kiều

Năm 2017, chị Kiểm sinh con gái đầu lòng. Con sinh ra khoẻ mạnh, có đôi mắt to, tròn và sống mũi cao. Nhưng khi được 2 tháng tuổi, con bắt đầu khóc nhiều, chỉ nằm một chỗ, ít vận động. “Con khóc nhiều, sau đó lại rất ngoan nên vợ chồng cũng chưa đưa con đi khám. Hết 6 tháng nghỉ thai sản, tôi gửi con ở nhà, đi làm trở lại bình thường” – chị Kiểm nói.

Thế nhưng, đến khi con được 8 tháng tuổi, con càng khóc nhiều hơn, cả ngày lẫn đêm. Tiếng khóc của con như xé ruột gan chị Kiểm. Chị đưa con đi khám mới phát hiện con bị chậm phát triển tâm thần vận động, theo dõi bại não. Cảm giác tội lỗi xuất hiện trong chị. “Giá như trước đó mình đưa con đi khám sớm hơn” – chị Kiểm lặng đi vì suy nghĩ này.

Suốt 3 năm qua, một mình chị Kiểm tự tay chăm sóc con nhỏ bị bệnh. Ảnh: Phương Kiều

Quyết định xin nghỉ việc ở công ty, chị Kiểm bắt đầu hành trình đưa con đi viện tập vật lý trị liệu. Con khóc nhiều, không làm được việc gì, chị Kiểm rơi vào cảnh mệt mỏi, cơm không muốn ăn. Rồi, những lời đàm tiếu từ mọi người xung quanh càng khiến chị cận kề hơn với trầm cảm. Nhưng, đứng trước ánh mắt trong trẻo, nụ cười ngây thơ của con, chị càng quyết tâm phải cố gắng để con mình được như bao đưa trẻ khác.

Chị Kiểm kể: “Có một thời gian tôi gom góp tiền để thuê trọ trong nội thành, sáng đưa con đi tập ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chiều đi tập ngoài. Nhưng khi đó, tôi cũng mang bầu đứa con thứ hai nên một thời gian ngắn sau, tôi không thể cho con đi tập nữa, mà cho về nhà tự tập”.

Suốt 3 năm qua, công việc hằng ngày của chị Kiểm là chăm con ăn, uống, đi vệ sinh. Năm ngoái, chị có nhận trông thêm 1 đứa trẻ để có thêm thu nhập lo cho con. Với chị, niềm hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy các con ngoan ngoãn, ăn được, ngủ được.

Còn chị Nguyễn Thị Toan 37 tuổi, quê xã Thiệu Khánh (Thiệu Hóa) Thanh Hoá. Trước đây chị làm ở bộ phận cắt kính - Cty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Do mắt kém, không thể tiếp tục với công việc nên chị Toan đành nghỉ việc giữa chừng. Hiện chị đang sống cùng 2 người con, con trai đầu 14 tuổi, con gái thứ 2 hơn 2 tuổi.

Nói về con trai đầu, chị Toan cho biết, đây là con của chị gái ruột. Anh rể mất khi cháu chưa ra đời, chị gái sinh con xong cũng mất luôn. Thương cháu mồ côi, chị đã nhận nuôi thằng bé, “dì như mẹ” nên từ khi sinh ra, chị đã coi nó là con ruột của mình.

Nuôi thằng bé lớn khôn, chị tính ở vậy nuôi con không lấy chồng. Nhưng không chịu được lời ra tiếng vào của mọi người, chị lập gia đình và gửi con trai đầu về nhà nội khi bé học lớp 4.

Sau này chị với chồng trục trặc nên đã quyết định đón con trai lên Hà Nội nuôi ăn học. “Nó ở với ông bà, có thể đầy đủ vật chất hơn nhưng không thể lo lắng, chăm chút, dạy bảo từng chút một được. Tôi đón con lên Hà Nội ở cùng. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” – chị Toan nói.

Hiện chị Toan đang bán đồ ăn sáng ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ba mẹ con chị tự chăm sóc nhau, con gái út hay ốm nên công việc bán hàng đôi khi bị gián đoạn, một hôm bán thì mất 3-4 hôm nghỉ nên mọi chi phí lo cho các con, chị phải tằn tiện từng đồng.

Biết hoàn cảnh của 3 mẹ con chị Toan khó khăn nên ai cũng đồng cảm. Thi thoảng mọi người lại cho ít gạo, quần áo hay thức ăn. Chị Toan nghĩ lại thời gian có dịch COVID-19, hàng quán ế ẩm, ở đâu có phát gạo miễn phí, chị đều đến nhận. “Nhờ có gạo được hỗ trợ mà tôi cùng các con sống qua ngày tháng đó” – chị trải lòng.

Chị Toan - người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng vì tình yêu con vô bờ bến, không quản ngại việc gì. Ảnh: K.Phương

Mọi việc từ lớn đến nhỏ đều đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ dáng gầy nhỏ nhắn. Chị “đóng vai” 2 người bố, 2 người mẹ để chăm sóc, nuôi nấng 2 đứa con. Trò chuyện với chúng tôi, mắt chị thi thoảng lại rưng rưng khi nhắc về các con - đủ để hiểu tình yêu mà người mẹ này dành cho các con của mình lớn nhường nào.

Chị Toan kể, bữa cơm của gia đình chị rất hiếm khi có thịt ăn cùng, thức ăn chủ yếu có 2 quả trứng hoặc vài miếng đậu phụ. “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, biết mẹ không có tiền, thằng bé lớn chẳng bao giờ đòi hỏi mẹ món này món khác. Hai năm nay chị cũng chưa biết mua quần áo là gì. Quần áo của 3 mẹ con đều được mọi người cho.

“Tôi chịu vất vả hay làm gì cũng được, chỉ mong sao 2 đứa con thành người và khoẻ mạnh. Nhiều người còn khổ hơn tôi rất nhiều, tôi còn sức khoẻ nên vẫn có thể lao động nuôi mình và các con” – chị Toan cho hay.

Cũng theo chị Toan, tiền học phí của con trai vẫn đang còn nợ nhà trường, hôm rồi chị mới gặp thầy giáo xin cho trả dần...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn