MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nữ công nhân xa nhà: Tăng ca vất vả nhưng vẫn vui

Minh Hương LDO | 07/10/2021 07:00

Rời xa gia đình đi làm công ty, công nhân đều mong có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn. Do vậy, dù phải tăng ca đến tối muộn, họ vẫn cảm thấy vui vì có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

Không thể bên cạnh để kèm cặp con học bài

Đón chúng tôi đến phòng trọ ở thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), chị Bùi Thị Lệ tất tưởi chạy vào trong nhà vì đang dở cuộc nói chuyện điện thoại với các con.

2 người con của chị Lệ đều ở Hoà Bình, do bà nội của các cháu chăm sóc. Mẹ chồng của chị đã trên 60 tuổi, ngoài việc trông nom cháu, hàng ngày bà vẫn ra nương trồng ngô, trồng rau. Chị Lệ bảo, thời gian đầu ra Hà Nội làm công nhân, chị từng hứa sẽ mua tặng mẹ chiếc điện thoại thông minh. Nhưng đã 3 năm, bà vẫn dùng tạm chiếc “cục gạch” cũ. Mỗi lần gọi về, chị chỉ nghe được giọng của con mà không thấy hình.

Chị Bùi Thị Lệ khoe túi an sinh được tổ chức Công đoàn hỗ trợ trong thời gian bị ngưng việc. Ảnh: M.Hương 

Chị Lệ hiện làm công nhân (CN) tại Công ty K+K Fashion (Khu công nghiệp Ngọc Hoà, Chương Mỹ). Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát trở lại, mỗi tháng, chị sẽ chạy 60km bằng xe máy để về thăm các con 2-3 lần. Nhưng đã 3 tháng qua, chị chưa được gặp mặt con. Mỗi lần gọi điện về, lúc nào chị cũng nghe con giục: “Mẹ ơi, mẹ chưa về à? Sao mãi mẹ chưa về?”.

"Mỗi lần nghe con nói như vậy, tôi sốt ruột lắm nên chẳng dám gọi nhiều” - chị Lệ bảo.

Ngày 28.7, chị Lệ phải tạm ngưng việc vì khu vực bị phỏng toả. Đến ngày 8.9, chị mới được đi làm trở lại. Nhớ về quãng thời gian khó khăn đó, chị Lệ cho biết may mắn vì có tổ chức Công đoàn quan tâm hỗ trợ kịp thời.

“Tôi được nhận 5kg gạo, 10 quả trứng, 1 hộp sữa bột từ Túi An sinh Công đoàn”. Theo chị Lệ, nhờ có túi an sinh này, bữa ăn của chị có thêm cơm và trứng.

Lương công nhân của chị Lệ ở mức hơn 5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì được hơn 6 triệu đồng/tháng. Từ ngày 23.9, chị mới được tăng ca trở lại, làm thêm giờ dù mệt hơn chút nhưng chị vẫn vui vì có thêm thu nhập.

Làm công nhân một mình ở thành phố, đối với chị Lệ, khó khăn nhất chính là không thể bên cạnh để kèm cặp con học hành. “Các con mỗi ngày sẽ thêm lớn, tôi tính sẽ chỉ làm công nhân thêm vài năm nữa, có chút vốn rồi về quê chăn nuôi để được ở gần con” - chị Lệ bộc bạch.

Tích cóp để có tương lai tốt hơn

Lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội làm công nhân, chị Nguyễn Thạch Thảo mong muốn cả gia đình có tương lai tốt hơn. Đi làm xa nhà từ khi con gái út của chị 4 tuổi, nay bé đã học lớp 5, cũng từng đấy thời gian chị phải xa các con.

Nữ công nhân xa gia đình đi làm vì mong có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: M.Hương

Là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), mức lương 10 triệu đồng/tháng vừa đủ để chị Thảo chi tiêu dè sẻn và gửi về cho con học hành. Trong căn phòng trọ 10m2 được chị thuê 600.000 đồng/tháng, đủ để đặt một chiếc giường, bếp ga mini và tủ vải đựng quần áo đã thấy chỗ rách, hỏng khoá.

Trước đây, 2 vợ chồng chị Thảo cùng ra Thủ đô làm công nhân. Nhưng được 3 năm, sức khoẻ của anh yếu nên đành quay về quê làm vườn. Từ đó, thu nhập ổn định của gia đình đều nhờ vào lương công nhân của người vợ.

Thời gian đầu phải sống một mình, không có người thân, đêm nào chị Thảo cũng khóc vì tủi thân và nhớ con nhỏ. Ngần ấy thời gian không được ở bên con, chị Thảo chấp nhận tuổi thơ của con không có mẹ bên cạnh chỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Ngày còn ở quê, công việc chính của chị là đi làm thuê. Vào vụ lúa, vụ ngô, chị được người ta thuê nhiều thì có thêm tiền trang trải. Nếu không, chị sẽ nghĩ cách trồng thêm rau để đem ra chợ bán vào mỗi buổi sáng.

Mặc chiếc áo cộc tay bạc màu, chị Thảo cho hay, một năm chị chỉ dám mua 1-2 bộ quần áo mới, không tụ tập hay chi tiêu lãng phí. Đều đặn mỗi tháng, chị gửi về cho gia đình, nhiều nhất 5 triệu đồng, ít thì 3 triệu đồng. Còn dư bao nhiêu, chị để dành tiết kiệm.

“Tôi chỉ mong công việc ổn định, được tăng ca đều đặn. Có ngày tôi tăng ca, làm đến 12 tiếng/ngày, dù mệt nhưng phấn khởi lắm vì cuối tháng nhận lương ví dày hơn chút" - chị Thảo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn