MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Thu Tâm (bên phải) được Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An chúc mừng tái đắc cử Chủ tịch LĐLĐ huyện Thủ Thừa, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Ảnh: P.V

Nữ “thủ lĩnh” công đoàn sinh tháng 4.1975

KỲ DUYÊN LDO | 28/04/2019 11:00

Chị sinh ra chỉ ít ngày trước thời khắc lịch sử đất nước sạch bóng ngoại xâm, non sông liền một mối. Đất nước giải phóng đã giúp vùng Đồng Tháp Mười quê chị vốn là “cánh đồng hoang” dần trở thành vựa lúa của cả nước. Cũng nhờ có ngày 30.4.1975, một đứa trẻ trong gia đình nghèo lam lũ ở “vùng sâu” như chị đã có điều kiện vươn lên, trở thành thủ lĩnh công đoàn một huyện.

Từ vận động viên trở thành thủ lĩnh CĐ

Trưởng thành từ một vận động viên bóng chuyền nữ tỉnh Long An, dù không nổi bật như các đồng đội là tuyển thủ quốc gia, nhưng VĐV Nguyễn Thị Thu Tâm cũng đã có đóng góp quan trọng để đưa BC nữ Long An từ chỗ không ai biết trở thành đội mạnh. Cô gái không cam phận như các bạn, mà quyết tâm đi học trở lại (học bổ túc), rồi thi vào Trung học Y tế.

Ra trường, chị về công tác ở Ủy ban DS-GĐ-TE huyện Thủ Thừa, đồng thời theo học đại học tại chức ở TPHCM. Chỉ có sức khỏe của một VĐV mới giúp chị sau 1 ngày làm việc, chiều tối đi xe máy vượt quãng đường 50 cây số về học ở TPHCM, học xong trở về lúc nửa đêm để sáng hôm sau đi làm việc. Không chỉ học đại học, chị còn tự trang bị cho mình nhiều kiến thức khác, như: Lớp Thư ký y khoa, Bằng B Anh văn, Bằng B tin học, Trung cấp, rồi Cao cấp lý luận chính trị… Chị được chuyển qua Phòng LĐTBXH huyện, trở thành Phó phòng, rồi Trưởng phòng (2010) trước khi chuyển sang công tác CĐ năm 2016.

Về LĐLĐ huyện Thủ Thừa với vai trò Chủ tịch, như “cá gặp nước”, chị cảm nhận công tác CĐ mới thật sự phù hợp với mình, như có sự gần gũi với tố chất của một thời VĐV chuyên nghiệp. Phong trào của huyện ngày càng phát triển, năm 2018 vừa rồi đoạt Cờ thi đua xuất sắc của LĐLĐ tỉnh. Bản thân chị, sau 1 năm về công tác CĐ, được tặng Bằng khen của LĐLĐ tỉnh (năm 2017), rồi Bằng khen của Tổng LĐLĐVN (năm 2018).

“Chuyên gia” giải quyết đình công

Nhiều đồng nghiệp nhắc về chị như là người có “năng khiếu” xử lý các vụ ĐC. Thủ Thừa vốn là huyện nông nghiệp, gần đây mới phát triển công nghiệp với một số khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hàng chục nghìn CNLĐ. Cũng như nhiều nơi khác, do nhiều nguyên nhân mà thời gian qua, trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ ĐC. Chị Tâm nhớ như in lần đầu tiên tham gia giải quyết vụ ĐC của khoảng 2 nghìn CNLĐ của một doanh nghiệp (DN) trong KCN Hòa Bình. Chừng ấy con người bị kích động, họ la hét toàn ngôn từ chợ búa, loa phóng thanh của Đoàn liên ngành huyện (giải quyết ĐC) bị chìm khuất, không ai thèm nghe. Chính lúc này, một chút “chợ búa” của một thời VĐV ở người thủ lĩnh CĐ huyện đã có tác dụng. Chị Tâm xuống bếp ăn của DN mượn 1 nắp vung lớn và 1 thanh sắt. Rồi chị chọn vị trí cao hơn tất cả CNLĐ đang đình công, xong bắt đầu gõ nắp vung để gây tiếng vang. Tiếng gõ nắp vung của chị tạo được sự chú ý của CNLĐ, họ dừng la hét, hướng mắt về phía chị xem chuyện gì xảy ra. Chị liền phóng loa đề nghị CNLĐ có bức xúc vấn đề gì thì viết vào tờ giấy (có người phát) rồi tập hợp lại để giải quyết. Vậy là thành công, cuộc ĐC được giải quyết nhanh gọn.

Nhận diện rõ nguyên nhân, tổ chức CĐ địa phương do chị làm thủ lĩnh đã tập trung giúp cho NSDLĐ và NLĐ xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, gắn bó với nhau, giúp DN ngày càng phát triển, đời sống CNLĐ được nâng cao. “Đó là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu tối đa xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ĐC”, chị Tâm chia sẻ.

Nhắc về thời khắc lịch sử 1975, chị nói: “Tự đáy lòng mình, tôi luôn tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của cha anh. Với tôi, ngày 30.4.1975 là ngày tri ân. Nếu không có ngày này, có lẽ tôi mãi là một cô gái nghèo thất học, lam lũ nơi ruộng đồng… Thế hệ ra đời từ tháng 4.1975 như tôi đã được cuộc sống mới chắp thêm đôi cánh, có nhiều cơ hội để phát triển cùng với sự phát triển của đất nước”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn