MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên thực tập Nguyễn Bình An (bên phải) được Cty CP In 7 trả lương như người lao động. Ảnh: Nam Dương

Ở nơi học tập nâng cao trình độ là bắt buộc

Nam Dương LDO | 20/03/2021 07:00
Một lần đến Cty CP In số 7 (trực thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn - KCN Tân Tạo, Quận Bình Tân, TPHCM), chúng tôi bất ngờ khi thấy nhân viên bảo vệ đang nói chuyện bằng tiếng Anh khá trôi chảy với khách nước ngoài đến liên hệ công tác. Đây chỉ là kết quả của yêu cầu về học tập, đào tạo bắt buộc của Cty.

Sinh viên thực tập được trả “lương” như công nhân

Vào xưởng sản xuất của Cty, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những sinh viên thực tập đang thao tác, điều khiển máy khá thuần thục. Em Nguyễn Bình An, sinh viên năm 4, Khoa In và Truyền thông, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM kể: Em đã thực tập được 1 tháng tại Cty và mỗi ngày được hỗ trợ gần 200.000 đồng. Trước đây, em đã 2 lần được nhận học bổng của Cty, mỗi lần 5 triệu đồng. Ước muốn của An là sau khi tốt nghiệp sẽ được Cty nhận vào làm. Ông Trương Hoàng Tâm - Chủ tịch CĐ Cty CP In số 7, cho biết Cty đã chú trọng đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng nguồn nhân lực ngay từ khi sinh viên còn trên ghế nhà trường thông qua việc phối hợp với các trường đại học trao học bổng cho sinh viên có tiềm năng và nhận sinh viên đến Cty thực tập được hỗ trợ khoản tiền tương đương với tiền lương lao động thời vụ (hiện gần 200.000 đồng/ngày). Trong quá trình thực tập, Cty sẽ 3 lần đánh giá (mỗi 2 tuần/lần) xem người đó có phù hợp với yêu cầu của Cty không. Nếu sau 3 lần đạt thì sẽ có cơ hội cao để trở thành nhân viên chính thức. Chỉ tính riêng năm 2020, Cty tuyển 16 sinh viên thực tập và kết quả sau kỳ thực tập, có 12 người được ký HĐLĐ chính thức với Cty.

Còn với tất cả NLĐ trong Cty thì việc học tập nâng cao trình độ là điều bắt buộc và Cty chi trả tiền cho những lớp học mà NLĐ tham gia. Anh Giang Hạo Văn - Trưởng máy LS 450, Xưởng 2, kể trước đây khi mới vào làm tại Cty, anh chưa học hết THPT và chỉ làm những việc lao động phổ thông. Theo yêu cầu bắt buộc của Cty và cũng là cam kết của anh khi vào làm, anh đã học hết THPT rồi học kỹ thuật in. Từng bước phấn đấu, hiện anh đã là trưởng máy, phụ trách 8 người. Một trong những công việc của anh là phải đào tạo cho những cấp dưới để có thể thay thế anh khi cần thiết vì đây là quy định về đào tạo nội bộ của Cty. Ngoài học tập nâng cao trình độ chuyên môn, anh cũng phải tham gia học các lớp anh văn, vi tính theo yêu cầu của Cty.

Đưa học tập vào thỏa ước lao động tập thể

Ông Nguyễn Minh Trung - Giám đốc Cty CP In số 7 - cho biết quan điểm của lãnh đạo Cty là chất lượng nguồn nhân lực, kỹ thuật sẽ là các trụ cột để phát triển doanh nghiệp bền vững và có chăm lo, nâng cao trình độ cho NLĐ thì NLĐ sẽ đóng góp hiệu quả cho Cty. Từ quan điểm đó, hằng năm Cty chi khoảng 1% doanh thu dành cho công tác đào tạo, đồng thời đưa ra quy định từng cấp bậc, vị trí làm việc sẽ có những yêu cầu cụ thể về trình độ. Ví dụ, đối với nhân viên bảo vệ cũng phải học thuộc ít nhất 50 câu tiếng Anh giao tiếp để trao đổi với khách đến liên hệ công tác; các trưởng máy, trưởng ca, quản đốc phân xưởng cũng phải có những yêu cầu bắt buộc về Anh văn, vi tính, chuyên môn, còn nhân viên kinh doanh thì bắt buộc phải nói tiếng Anh thông thạo…

Ông Trung cho biết thêm việc đào tạo trong Cty được đưa vào thỏa ước lao động tập thể và có quy định khuyến khích cũng như chế tài cụ thể. Chẳng hạn, nếu CN thi nâng bậc đạt yêu cầu được thưởng 500.000 đồng, xuất sắc thưởng 1.000.000 đồng; đối với người chưa học hết THPT mà đi làm thì phải có cam kết phải học và nếu thi đậu THPT được thưởng 4 triệu đồng; tốt nghiệp đại học thưởng 6 triệu đồng. Còn với những người thi nâng bậc không đạt, học văn hóa không đạt, không lên lớp thì không được xét lao động tiên tiến một kỳ; trường hợp được công ty tạo điều kiện cho đi học mà bỏ dở không xét thi đua 1 tháng và phải hoàn trả chi phí học tập. Ngoài ra, các cá nhân tự đi học phù hợp với công việc đang đảm nhiệm và có báo cáo với công ty được thưởng 50% mức thưởng nêu trên.

“Với doanh thu trên 330 tỉ đồng năm 2020, Cty đã chi khoảng hơn 3 tỉ đồng cho công tác đào tạo. Ngoài ra Cty còn chú trọng việc đào tạo nội bộ theo cách người đi trước truyền nghề, kinh nghiệp cho người sau và đây cũng là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng cá nhân. Với quy định này, NLĐ được hưởng nhiều lợi ích còn Cty thì yên tâm về nguồn nhân lực” - ông Tâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn