MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đây là một phần quà hỗ trợ của một phòng trong xóm trọ ông Thỉnh. Ảnh: NVCC.

Ông chủ trọ U80: Ngày Rằm tháng 7 chỉ mong công nhân không tủi thân

LƯƠNG HẠNH LDO | 22/08/2021 09:35
Thời điểm này, có thêm mớ rau, chục trứng gà, vỉ sữa, cân gạo... cũng đủ để công nhân trong khu trọ Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) của ông Đỗ Kim Thỉnh ấm lòng hơn bao giờ hết.

Tuổi đã cao, ông Thỉnh (SN 1947) và vợ sống dựa vào 21 phòng trọ với giá cho thuê 1,2 triệu đồng/phòng/tháng dành cho công nhân và chủ yếu là người đã có gia đình thuê. Ông bà cũng không phải phụ thuộc vào con cái, túc tắc sống vui vẻ, khỏe mạnh.

Dịch COVID-19 bùng phát, Khu Công nghiệp Thăng Long bị ảnh hưởng nặng nề khi liên tục có các ca dương tính COVID-19. Đông công nhân, nhiều xóm trọ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, chính quyền địa phương nơi đây liên tục cho phong tỏa những vùng có ca mắc hoặc nghi mắc, thôn Hậu Dưỡng là một trong những điểm "nóng" của dịch bệnh. Công nhân trong vùng này rơi vào cảnh đi không được, về không xong.

Những ngày đầu sau phong tỏa, ông Thỉnh đã hỗ trợ công nhân trứng và rau.

“Thôn Hậu Dưỡng bị phong tỏa, khu trọ của tôi đa phần là các gia đình công nhân, có trẻ nhỏ. Họ không được ra khỏi thôn và phải chờ mua các đồ dùng thiết yếu. Tôi thấy thế nên muốn san sẻ và động viên các cháu một chút. Tôi cũng không có gì nhiều, chỉ có ít rau, trứng, sữa, mì, gạo… thôi”, ông Thỉnh chia sẻ.

Sau đó là mì tôm, sữa... Ảnh: NVCC.

Ông Thỉnh là người sinh ra và lớn lên tại đây. Ông có 4 người con gái và 1 người con trai đều đã lập gia đình và ở ngay cạnh. Con cái trưởng thành, hai ông bà già cũng không phải lo toan cho ai nữa. Mấy chục năm cho công nhân thuê trọ, ông Thỉnh là người hiểu cuộc sống vất vả của công nhân hơn ai hết. Chính vì vậy, ông luôn cùng các con giúp đỡ các gia đình công nhân trong khả năng mà ông có.

Anh Đỗ Kim Lâm (SN 1971), con trai ông Thỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi hỗ trợ công nhân đều là xuất phát từ tâm, không kêu gọi, không vận động ai làm cùng cả. Tôi và vợ chủ yếu làm ăn trong Sài Gòn nên ở nhà chỉ có hai ông bà kinh doanh xóm trọ. Bên cạnh đó, tôi cũng kinh doanh một quán karaoke nhưng dịch nên đóng cửa nhiều tháng nay”.

Để có thể lấy được khối lượng hàng hóa thiết yếu mang về tặng, anh Lâm đã phải xin phép chính quyền phương nơi đây. Ảnh: NVCC.

Khi được hỏi tại sao khi không kiếm ra thu nhập, anh Lâm vẫn ủng hộ bố hỗ trợ công nhân, anh cho biết gia đình mình đã làm thiện nguyện từ nhiều năm nay nên đây cũng trở thành truyền thống của gia đình. Anh Lâm còn nhắc đi nhắc lại: “Lá lành đùm lá rách thôi. Việc làm gia đình tôi chỉ là việc nhỏ. Cô có viết thì viết nhân rộng việc làm này, đừng ca ngợi gì cả nhé”.

Được biết, mỗi phòng trong xóm trọ của ông Thỉnh sẽ được nhận hỗ trợ 1 thùng mì tôm, 1 vỉ trứng, rau, gạo. Gia đình nào có trẻ em thì sẽ được nhận thêm 1 vỉ sữa. Tất cả những hoạt động cho - tặng chỉ diễn ra trong khu trọ để đảm bảo phòng, chống dịch.

Các thành viên trong gia đình ông Thỉnh phân công nhau chia các suất quà cho công nhân tại khu trọ. Ảnh: NVCC.

Trong xóm trọ của ông Thỉnh, ông để ý đặc biệt đến một gia đình có hoàn cảnh khó khăn: Người vợ vừa sinh con, chưa đi làm lại được, người chồng là lao động tự do, chạy xe ôm để kiếm sống. Do dịch bệnh, hai vợ chồng đều ở trong cảnh thất nghiệp, không có việc làm, không có thu nhập. Ông Thỉnh thương họ hơn tất cả gia đình khác.

Ông Thỉnh chỉ mong “lá lành đùm lá rách” sẽ mãi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Ông Thỉnh nói: "Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm luôn là dịp đặc biệt để các thành viên trong gia đình quây quần, gắn bó với nhau thông qua những phong tục truyền thống. Cúng rằm tháng 7 là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, ông bà, tổ tiên đã khuất. Gia đình tôi ở đây, được quây quần bên nhau, còn công nhân thuê trọ thì không về được. Tôi cũng có thêm chút quà để các cháu đỡ tủi thân".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn