MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khai thác than lộ thiên ở Công ty CP than Hà Tu, TP.Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ông Ngọ Duy Hiểu: Nhà ở xã hội cho công nhân vẫn bị "nghẽn" bởi chính sách

Nguyễn Hùng LDO | 14/01/2022 13:39

Quảng Ninh - Sáng nay (14.1), Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu dự và phát biểu chỉ đạo.

Năm 2021, doanh thu toàn Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ước đạt trên 128.000 tỉ đồng, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, doanh thu than đạt hơn 72.000 tỉ đồng, đạt 106% kế hoạch, bằng 90% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận ước đạt 3,5 nghìn tỉ đồng, đạt 116% so với kế năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 18,45 nghìn tỉ đồng, bằng 103% so với kế hoạch điều chỉnh. Năm 2021, sản lượng than nguyên khai của TKV đạt khoảng 39,0 triệu tấn, bằng 101% so với cùng kỳ; tiêu thụ hơn 44 triệu tấn than. Mức lương trung bình của toàn tập đoàn là 13 triệu đồng/người/tháng, bằng 100% kế hoạch và tương đương với tiền lương thực trả năm 2020.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết của Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam sáng 14.1.2022 tại TP. Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng thành viên – cho biết, năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 và thị trường năng lượng, nhưng TKV đã phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm ổn định cho NLĐ. Công tác chăm lo đời sống, sức khỏe cho CNVCLĐ cũng luôn được đảm bảo, trong đó trong tháng 1 này sẽ hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho toàn thể NLĐ.

Theo ông Chuẩn, kết quả đó có được là nhờ đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong toàn tập đoàn luôn đoàn kết, tận tâm và sự phối hợp tốt giữa tổ chức công đoàn với các đơn vị chuyên môn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của TKV, Công đoàn TKV và đặc biệt là đội ngũ NLĐ của TKV.

Về nhiệm vụ năm 2022, ông Hiểu cho rằng, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Công đoàn TKV cần tiếp tục bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của Tổng LĐLĐVN để phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nhằm vừa phòng, chống COVID-19 hiệu quả, vừa khôi phục, phát sản xuất và chăm lo việc làm, đời sống cho NLĐ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao tặng phần thưởng thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho các công đoàn cơ sở thuộc TKV. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng hấp dẫn, sát với thực tế, gắn với đời sống của người lao động. Làm tốt công tác đại diện chăm lo cho người lao động, đặc biệt là công tác an toàn - vệ sinh trong lao động, sản xuất; chăm lo cho công nhân mắc bệnh, tai nạn một cách nghĩa tình. Có như vậy mới thu hút, tập hợp đông đảo được người lao động, nhất là trong tình hình mới hiện nay.

Về vấn đề nhà ở cho NLĐ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, điểm nghẽn lớn nhất do chính sách bất cập nên không thu hút được nguồn lực. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có báo cáo với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ cho vấn đề này.

“Hiện, còn nhiều công nhân, lao động phải đi thuê nhà trọ, giá vừa cao, vừa điều kiện sống không đảm bảo. Nếu có những khu nhà cho công nhân, lao động tốt thì đại dịch COVID-19 vừa qua, có lẽ công nhân, lao động, các doanh nghiệp không khó khăn, vất vả như vậy” – ông Hiểu chia sẻ – “Đề nghị TKV, Công đoàn TKV bám sát, góp ý để cùng sửa đổi luật, cơ chế, chính sách về xây nhà ở cho công nhân”.

Theo Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, vấn đề xây nhà ở xã hội cho công nhân, lao động đã được bàn đi, bàn lại nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được bởi "vướng" cơ chế, chính sách. Hiện, chưa có hình mẫu nào để áp dụng cho ngành than xây nhà xã hội cho NLĐ, dù tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều vị trí để xây nhà và các doanh nghiệp không phải thiếu vốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn