MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chu Hồng Điệp (trái) vẫn chưa được về hưu vì bị Công ty 116 (Thanh Xuân, Hà Nội) nợ 8 năm 6 tháng tiền đóng BHXH, ông Đặng Văn Quang (phải) cho công ty này mượn 194 triệu để tất toán BHXH nhưng chưa đòi lại được. Ảnh: Trần Tuấn.

Phải cho Công ty vay hàng trăm triệu để về hưu: NLĐ có lấy lại được tiền?

Trần Tuấn LDO | 04/08/2020 10:12

Nhiều người lao động (NLĐ) của Công ty cổ phần công trình giao thông 116 (Công ty 116) thắc mắc, liệu họ có thể lấy lại số tiền hàng trăm triệu đồng "mồ hôi nước mắt" đã cho công ty này vay để tất toán BHXH trước khi về hưu.

Công ty gần như không hoạt động

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, đại diện đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết:

"Sau khi tiếp cận hồ sơ của công ty 116, chúng tôi xác định từ năm 2018 đến nay, công ty này không phát sinh doanh thu. Báo cáo tài chính năm 2018 và 2019, doanh thu đều bằng 0.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã bị Cục thuế Hà Nội cưỡng chế hoá đơn do nợ thuế kéo dài. Công ty gần như không hoạt động, không có nhân viên, không có kế toán. Tính đến thời điểm tháng 5.2020, công ty này nợ thuế hơn 22 tỉ đồng".

Cũng theo đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân, từ năm 2019 đến nay, công ty 116 (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã 2 lần nộp tiền BHXH tổng cộng số tiền 39 triệu đồng.

Trụ sở Công ty cổ phần Công trình Giao thông 116. Ảnh: Trần Tuấn

"Nguồn thu từ việc cho thuê đất "vàng" ở 521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, khu đất ở Đồng Mai, Hà Đông và bán hàng trăm thiết bị xây dựng khác đi đâu?", ông Nguyễn Văn Quang, người cho công ty gần 200 triệu đồng để tất toán cho BHXH Hà Nội thắc mắc.

Nói về vấn đề trên, đại diện đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân cho biết, sau quá trình điều tra, xác minh được, trên thực tế, khu đất ở 521 Thanh Xuân và nhiều thiết bị xây dựng, máy móc có giá trị lớn khác đã bị công ty đem cầm cố để vay tiền tại một ngân hàng. Sau đó, do công ty 116 không có khả năng chi trả nên ngân hàng đã bán khoản nợ này cho một đơn vị khác. Quá trình sang tên chủ tài sản hiện đang được triển khai.

Trong quá trình sang tên chủ sở hữu, khu đất "vàng" ở 521 Nguyễn Trãi vẫn đang được Cty 116 liên kết với một đơn vị làm nhà hàng ăn uống, tuy vậy, nguồn thu chỉ đủ trả lương cho vài nhân sự hiện vẫn đang làm việc.

NLĐ có khả năng lấy lại tiền?

Trả lời câu hỏi liệu người lao động có khả năng lấy tại tài sản (tiền - PV) hay không?, đại diện đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân nói: "Do việc NLĐ cho Cty vay dưới danh nghĩa vay vốn và việc công ty "chết", không còn nguồn thu, không còn tài sản khiến cơ hội lấy lại tài sản của NLĐ không dễ". Vị đại diện cho biết, đang hướng dẫn NLĐ làm các thủ tục khởi kiện dân sự.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Thuật, Phó giám đốc BHXH TP.Hà Nội, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng như tại công ty 116 đến từ quá trình cổ phần hoá.

 Người lao động cho công ty 116 vay gần 200 triệu đồng trước khi nghỉ hưu. Ảnh: Trần Tuấn

"Không chỉ công ty 116, mà cả Cầu 12 (Công ty cổ phần cầu 12 - PV), Cầu 14 (Công ty cổ phần cầu 14 - PV), từ lúc cổ phần hoá xong nhiều lao động sống không có lương, bị nợ BHXH kéo dài, đời sống khổ cực", ông Thuật cho biết.

Bà Dương Thị Minh Châu (Trưởng phòng truyền thông và phát triển đối tượng của BHXH TP.Hà Nội) cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho các lao động như tại Cty 116, BHXH vẫn chốt sổ tới thời điểm đã đóng cho NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu. Sau khi đơn vị nợ đóng BHXH thanh toán các giai đoạn nợ thì BHXH Hà Nội sẽ điều chỉnh lại lương hưu và sẽ cho truy lĩnh bắt đầu từ thời điểm nghỉ hưu.

Luật sư vào cuộc hỗ trợ

Sau khi đọc loạt bài viết: "Phải cho công ty vay hàng trăm triệu đồng để được... về hưu", đăng tải trên Lao Động, luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí giúp những người lao động tại công ty 116 khởi kiện đối với chủ doanh nghiệp này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn