MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chu Hồng Điệp bên cuốn sổ BHXH mới tất toán đến tháng 12.2008 và trụ sở công ty 116 đã cửa đóng then cài.

Phải cho công ty vay tiền để được... về hưu: Sao chưa xử lý hình sự?

Trần Tuấn LDO | 12/05/2020 18:47

Liên quan đến vụ việc nhiều công nhân phải cho công ty vay hàng trăm triệu đồng để được về hưu, bạn đọc Báo Lao Động thắc mắc tại sao chưa xử lý hình sự đối với hành vi này, bởi luật đã quy định rất rõ.

Trong loạt bài mới đây, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng nhiều cán bộ tại Công ty cổ phần Công trình giao thông 116 (Thanh Xuân, Hà Nội) đến tuổi nghỉ hưu nhưng không thể hoàn tất thủ tục để về nghỉ do công ty vẫn còn nợ tiền bảo hiểm của họ trong nhiều năm.

Để được về hưu, những công nhân này phải cho công ty vay số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng để tất toán tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) mới đủ điều kiện... về hưu.

Theo phản ánh của nhiều công nhân, để có số tiền cho công ty vay, có người phải bán đất, người phải đi vay lãi khiến họ rơi vào hoàn cảnh túng quẫn.

Ông Quang- một công nhân của công ty cho biết, ông phải cho công ty vay 194 triệu đồng tất toán với BHXH để được ..về hưu.

Trước sự việc trên, bạn đọc Hoàng Vân Anh (22 tuổi, ở xã Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ sự ngỡ ngàng về hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động của Công ty 116.

"Tôi từng đọc một số vụ công ty chậm lương và nợ BHXH của người lao động trên Báo Lao Động, nhưng việc nợ BHXH của công nhân lên tới gần 10 năm, sau đó lại vay hàng trăm triệu đồng của chính các công nhân này để tất toán BHXH là rất bất ngờ, tôi chưa từng thấy có vụ việc tương tự", Vân Anh chia sẻ.

Đồng quan điểm với Vân Anh, bạn đọc Hoàng Văn Hải (23 tuổi, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho rằng việc đóng bảo hiểm hoàn toàn là trách nhiệm của Công ty 116; đồng thời đề nghị công ty sớm có phương án hoàn trả số tiền chính đáng của người lao động.

"Mấy chục năm họ làm cho công ty, đến lúc già rồi lại vẫn phải đi làm bảo vệ, bán trà đá vỉa hè mưa sinh. Tôi có đọc thông tin trong bài viết của Báo Lao Động thì được biết hàng năm, công ty vẫn có nguồn thu lớn từ việc cho thuê nhiều mặt bằng, bán máy móc lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm trong khi chỉ còn vài nhân sự làm việc. Tại sao họ không sử dụng số tiền đó để hoàn trả khoản tiền đã vay của người lao động?", bạn đọc Hoàng Hải đặt nghi vấn.

Trụ sở của Công ty cổ phần Công trình giao thông 116.

Bạn đọc Quách Thành Lực (Nam Từ Liêm, Hà Nội, thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) thì cho rằng Bộ luật Hình sự quy định rất rõ về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, và thắc mắc tại sao chưa xử lý hình sự đối với hành vi trên của Công ty 116.

"Đối với trường hợp của Công ty 116, nếu thống kê công ty trốn đóng BHXH cho trên 10 người và số nợ bảo hiểm tiền tính đến hết tháng 10.2019 là 16,3 tỉ đồng (theo báo cáo của BHXH Hà Nội), cơ quan cảnh sát điều tra hoàn toàn có căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân và pháp nhân của công ty này. Với cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù đến 7 năm. Pháp nhân có thể bị phạt tiền cao nhất đến đến 3 tỉ đồng", bạn đọc Quách Thành Lực cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn