MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cho ý kiến về nội dung hoạt động các chương trình, tổ chức tài chính vi mô sau 3 năm thực hiện chuyển đổi theo quy định. Ảnh: Dương Anh

Phải góp phần chống tín dụng đen trong công nhân lao động

Linh Nguyên - Dương Anh LDO | 17/08/2022 10:26

Một trong những nội dung của Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 29 (diễn ra ngày 17.8, tại Hà Nội) là thảo luận về kết quả hoạt động các chương trình, tổ chức tài chính vi mô sau 3 năm thực hiện chuyển đổi theo quy định. Đối với nội dung này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh đến vấn đề góp phần chống tín dụng đen trong công nhân lao động.

Tờ trình Báo cáo kết quả hoạt động của Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo sau 3 năm (2019-2021) thực hiện đăng ký hoạt động theo Chương trình, dự án tài chính vi mô do Phó Chủ tịch Phan Văn Anh trình bày nêu rõ đã tổng hợp số liệu cụ thể về nguồn vốn, đối tượng vay vốn; công tác chỉ đạo; kết quả hoạt động của các quỹ trợ vốn sau đăng ký, hoạt động theo chương trình dự án tài chính vi mô.

Phó Chủ tịch Phan Văn Anh trình bày Tờ trình Báo cáo kết quả hoạt động của Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo sau 3 năm (2019-2021) thực hiện đăng ký hoạt động theo Chương trình, dự án tài chính vi mô. Ảnh: Dương Anh 

Theo đó, Triển khai Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg, đến nay đã có 12/13 Quỹ trợ vốn của tổ chức công đoàn đã thực hiện việc đăng ký, chuyển đổi thành Chương trình dự  án tài chính vi mô, Tổ chức tài chính vi mô gồm Quỹ của các Liên Lao động tỉnh, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bà rịa – Vũng tàu, Phú Thọ, Lâm Đồng trong đó Quỹ trợ vốn của Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi thành Tổ chức tài chính vi mô (CEP). Riêng Quỹ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để được cấp đăng ký hoạt động theo Chương trình, dự án tài chính vi mô.

Sau khi đăng ký hoạt động theo Chương trình dự án tài chính vi mô, các Quỹ trợ vốn của tổ chức Công đoàn vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu hoạt động “không vì mục tiêu lợi nhuận”; cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hànhhoạt động quỹ cơ bản được củng cố, kiện toàn, các quy định nội bộ được rà soát, hoàn thiện theo quy định pháp luật, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của đoàn viên, người lao động.

Đối với hoạt động này, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải phân tích tính chất của Quỹ trợ vốn cho lao động nghèo không phải là bao cấp cho người nghèo mà giúp họ thoát nghèo. Do đó Quỹ có vai trò rất quan trọng đối với người lao động. Đối với hoạt động thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Hải đưa ra các vấn đề như phải có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngân hàng nhà nước; có phần mềm quản lý tín dụng, kế toán; phải có chính sách, quy định nội bộ theo đúng luật; đảm bảo các chỉ số an toàn…

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ lo lắng về nạn tín dụng đen đang đe doạ cả công nhân lao động và cán bộ Công đoàn. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của  các chương trình, tổ chức tài chính vi mô.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: Dương Anh 

Thảo luận về nội dung này đồng chí Nguyễn Phi Thường – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho biết hiện Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình có tổng vốn là 67 tỉ đồng. 

Các hoạt động của Quỹ đáp ứng được nhu cầu của đoàn viên, người lao động nghèo vì họ không có đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vay của ngân hàng nhưng được Quỹ cho vay với hình thức tín chấp thông qua Công đoàn. Từ hiệu quả thực tế, đồng chí Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh đến hiệu quả chống nạn tín dụng đen và thể hiện rõ vai trò của tổ chức Công đoàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn