MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 30.10, UBND TP.Thủ Đức, TPHCM đã tổ chức lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội cho công nhân với hơn 1.000 căn hộ. Ảnh: M.Q

Phải tính ngay bài toán nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Phong Nguyễn (thực hiện) LDO | 10/11/2021 06:22
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - chia sẻ với Lao Động về những bất cập trong cấu trúc kinh tế và nguyên nhân gây đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong thời gian qua. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến chúng ta phải thay đổi tư duy để tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Thưa Tiến sĩ (TS), sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động thời gian vừa qua, theo TS, cần giải quyết vấn đề gì?

- TS Vũ Tiến Lộc: Có thể nói, COVID-19 giúp chúng ta ngộ ra rất nhiều điều: Sự suy giảm trong phát triển kinh tế, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc dòng người hồi hương vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua cho thấy cơ cấu kinh tế của chúng ta đang có những bất ổn.

Trong suốt thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thúc đẩy công nghiệp hóa và đô thị hóa. Cùng với dòng người chuyển dịch từ nông thôn đến thành thị và đến các khu công nghiệp (KCN), đây là động lực quan trọng nhất cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời sự dịch chuyển này cũng tạo nên sự bất ổn đối với siêu đô thị và các đại công trường, không chỉ ở nước ta mà ở các nước khu vực Châu Á phần lớn đã đối phó với nguy cơ này.

Bây giờ dòng người hồi hương, trong đó một số sẽ trở lại thành phố và các KCN nhưng cũng có nhiều người ở lại thôn quê. Điều đó gợi ý cho chúng ta một chiến lược phát triển mới, sẽ không chạy theo phát triển các siêu đô thị hay các đại công trường.  

Thời gian qua, khi chúng ta tập trung xây dựng Hà Nội, TPHCM thành những khu đô thị lớn và xây dựng những KCN xung quanh TPHCM, Hà Nội cũng như các địa phương lân cận và điều rất không hợp lý ở chỗ: Những thành phố lớn lẽ ra tập trung ở những ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn chứ không phải tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động, ngành công nghiệp gia công.

Điều này cho thấy, khi tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là gia công sẽ tạo nên sự quá tải cho không gian đô thị và công nghiệp, kể cả về kinh tế, xã hội và kỹ thuật, tạo nên thế cạnh tranh không công bằng giữa Hà Nội, TPHCM với các tỉnh, thành phố khác. Nó không đảm bảo được cho sự phát triển bao trùm, lan tỏa bởi sự tăng trưởng, sự tích lũy sẽ tập trung rất nhiều vào các KCN và các đô thị lớn, bỏ lại khoảng cách khá xa với các tỉnh, thành phố khác.

Theo TS, nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Hướng đi quan trọng là, các trung tâm lớn của đất nước, trước hết là Hà Nội, TPHCM hãy tập trung vào các ngành công nghệ cao, các ngành có giá trị gia tăng lớn; các ngành sử dụng nhiều lao động, các ngành gia công hãy dịch chuyển về các vùng nông thôn.

Điều này đảm bảo rằng, một mặt các trung tâm công nghiệp, các trung tâm đô thị lớn không bị quá tải, có thể đảm bảo cuộc sống xanh hơn, nền kinh tế bền vững hơn. 

Những vùng nông thôn xa xôi sẽ có điều kiện để phát triển công nghiệp, để đưa “thị” về “thôn”, thành thị hóa nông thôn. Đặc biệt rất quan trọng là để người lao động (NLĐ) có thể “ly nông bất ly hương”.

Nếu như NLĐ ở thành phố lớn, ở trung tâm công nghiệp có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng phải chi trả rất nhiều chi phí cho ăn uống, nhà ở, các dịch vụ xã hội, nhưng nếu sống ở nông thôn, thậm chí họ có thể tự túc được lương thực, thực phẩm thì lúc đó với mức thu nhập đang được chi trả hiện nay, họ sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

Cho nên, việc đưa công nghiệp về các vùng nông thôn là cách thức tốt nhất để phát triển kinh tế nông thôn, thu hẹp lại khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Chúng ta quan sát các DN của nước ta trong thời gian qua cũng thế, nếu DN chỉ tập trung vào các thành phố trung tâm công nghiệp thì thời gian vừa rồi rất khó khăn. Nhưng có nhiều DN đã phân tán cơ sở sản xuất ra nhiều tỉnh, thành phố thì đã trụ vững, khi ở chỗ này có sự cố thì ở chỗ kia vẫn tiếp tục sản xuất và người lao động vẫn đảm bảo được cuộc sống của mình.

Nên tôi cho rằng đây là một thử thách để chúng ta sớm tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng không quá tập trung sản xuất tại các đô thị lớn và các trung tâm công nghiệp. Phải hình thành các đô thị vệ tinh và đưa công nghiệp về nông thôn, thúc đẩy phát triển nông thôn, tích hợp giữa công nghiệp và nông nghiệp, mang lại hạnh phúc cho người lao động và mang lại sự phát triển bền vững cho chính các DN.

Muốn phát triển công nghiệp, thu hút lực lượng lao động lớn thì phải tính ngay bài toán người lao động sẽ ở đâu, nhà ở xã hội sẽ như thế nào, nhà ở công nhân sẽ ra sao và Nhà nước phải có chính sách để hỗ trợ, Nhà nước cùng với DN, giới chủ và giới thợ cùng xây dựng được hệ sinh thái, môi trường sống cho người lao động chứ không chỉ đơn thuần là nơi họ đến để vận hành máy móc.

Bản thân các vùng nông thôn đã có một không gian sinh thái tương đối tốt, khi đưa công nghiệp về, đừng biến nông thôn thành môi trường ximăng cốt thép, biến vùng nông thôn của các tỉnh thành một KCN mà không tính đến các yếu tố môi trường, xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn