MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bệnh được điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: P.V

Phải xem người bệnh là khách hàng

LỆ HÀ LDO | 08/07/2019 12:11
“Phải xem người bệnh là khách hàng. Mà đã là khách hàng thì phải phục vụ họ như thượng đế. Chứ người bệnh đến khám mà nạt nộ, đuổi đi thì ít người đến bệnh viện là đúng rồi” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ khi đến khảo sát tại một bệnh viện miền Trung cách đây gần 5 năm. Đến nay, mức độ hài lòng của người bệnh đạt trên 80%.

Người bệnh là trung tâm

Thời điểm đó, người đứng đầu ngành y cho rằng: “Các bệnh viện cần nghiêm khắc về vấn đề thái độ ứng xử của nhân viên y tế, không thể để con sâu làm rầu nồi canh”.

Chính những tồn tại hiện hữu thời điểm đó khiến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế còn hạn chế. Cần có hành động cụ thể hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện đã được Bộ Y tế đưa ra. Cụ thể là thực hiện đổi mới phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí chuẩn chất lượng bệnh viện với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm” đã được ban hành. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, ngành y tế đã không ngừng đổi mới hoạt động khám chữa bệnh, từ việc thực hiện 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đến quy trình khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, chất lượng phục vụ của các bệnh viện trong cả nước có sự thay đổi cơ bản nhờ đổi mới về cách kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện. Bộ tiêu chí đã được áp dụng trên phạm vi toàn quốc với 1.400 bệnh viện các tuyến từ trung ương đến tỉnh huyện và tư nhân. Sau 5 năm triển khai, về cơ bản, bộ mặt của toàn hệ thống các bệnh viện có những thay đổi tích cực, rõ rệt kể cả bệnh viện tuyến huyện ở những vùng sâu, vùng xa. Tình trạng quá tải khu vực khám bệnh cũng được cải thiện đáng kể, quy trình khám bệnh giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước (tuỳ theo loại hình khám bệnh). So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm.

Đáng chú ý, đề án “Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh” góp phần nâng cao năng lực hệ thống kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động xét nghiệm. Qua đó, đề án tiết kiệm nhiều nguồn lực của xã hội vì người bệnh không phải xét nghiệm nhiều lần. Ước tính sơ bộ toàn xã hội tiết kiệm được trung bình 237,5 tỉ đồng mỗi năm.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, cho biết thêm: Khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và ngoại trú được tiến hành rộng rãi ở các bệnh viện từ năm 2015 và thu được một số kết quả quan trọng. Điều này từng bước tạo ra những chuyển biến tích cực trong tư duy, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức bệnh viện nói riêng, cũng như chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện nói chung.

Tinh thần thái độ cán bộ y tế cải thiện, tạo sự hài lòng người bệnh tăng cao. Năm 2018, Vụ Tổ chức cán bộ cùng với Viện Chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế) phối hợp kiểm tra, đánh giá sự hài lòng của người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện thuộc trường và bệnh viện tuyến tỉnh. Kết quả cho thấy, tỉ lệ hài lòng của người bệnh đạt 83,7% (trong đó tuyến trung ương đạt 84,5%, tuyến tỉnh đạt 83,3%, bệnh viện thuộc trường là 81,5%).

Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh công bố kết khảo sát sự hài lòng người bệnh qua điện thoại ở 60 bệnh viện tại 23 tỉnh, thành phố. Mức độ hài lòng của người bệnh đạt 80,8% tăng so với năm 2017 (79,6%).

PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho hay, theo kết quả khảo sát độc lập qua chỉ số PAPI năm 2018, chỉ số tham nhũng vặt, hiện tượng tiêu cực, bôi trơn ở các cơ sở khám chữa bệnh giảm mạnh, chỉ còn 0,4%, trong khi hai năm trước đó (2016 - 2017) lần lượt là 17% và 9%. PAPI là khảo sát xã hội học thường niên lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.

Hiện nay, 95% bệnh viện đạt xanh - sạch - đẹp ở mức tốt và khá, không có loại kém. Nhà vệ sinh bệnh viện - yếu tố luôn bị người bệnh phàn nàn nhiều nhất, đã được cải thiện. Các ý kiến không hài lòng của người bệnh được các bệnh viện ghi nhận và nỗ lực khắc phục. Ví dụ, nhà vệ sinh bệnh viện so với 5 năm trước đây đã có sự tiến bộ đáng kể. Một số bệnh viện có nhà vệ sinh như khách sạn 3, 4 sao.

Con đường tới đích còn dài

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra một số hạn chế như điều kiện vật chất cơ sở khám, chữa bệnh xuống cấp, chưa đồng bộ kể cả với các bệnh viện tuyến Trung ương. Đáng chú ý, tình trạng quá tải nhiều bệnh viện đặc biệt tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đang gây ra áp lực rất lớn tác động đến chất lượng khám, chữa bệnh. Vẫn còn tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa hợp tác trong tuân thủ các thủ tục hành chính quy trình khám, chữa bệnh; trong giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan bệnh viện...

Từ những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm đề ra giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần có sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong cả nước cùng với ngành y tế từ Trung ương đến địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác truyền thông đến người dân.

Để đạt tiêu chuẩn cơ sở y tế khám, chữa bệnh xanh, sạch, đẹp, tạo sự hài lòng người bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, giải pháp căn cơ và lâu dài cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, đặc biệt tuyến y tế cơ sở, giảm tải tuyến trên. Tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng niềm tin thu hút người bệnh trong và ngoài nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn