MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Đỗ Hồng Vân thăm nữ công nhân tại dây chuyền sản xuất của Công ty May 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phấn đấu 90% trở lên nữ đoàn viên, NLĐ đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Thu Trà thực hiện LDO | 07/03/2024 11:16

Một trong những chỉ tiêu của công tác nữ công được Tổng LĐLĐVN đặt ra là phấn đấu mỗi CĐCS có ít nhất một hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, NLĐ, trẻ em là con đoàn viên, NLĐ. Phóng viên Báo Lao Động đã có phỏng vấn bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN.

Thưa bà, việc đặt ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi CĐCS có ít nhất một hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, NLĐ, trẻ em là con đoàn viên, NLĐ có ý nghĩa như thế nào?

- Đối với hoạt động nữ công, một trong những nhiệm vụ quan trọng sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là nghiên cứu cụ thể hoá Nghị quyết vào công tác nữ công. Do đó các chỉ tiêu phấn đấu cũng được xây dựng mang tính định lượng cụ thể.

Chủ đề hoạt động nữ công năm 2024 là “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công, cụ thể hóa nghị quyết đại hội CĐ các cấp vào công tác nữ công, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam”.

Trong đó có thể kể tới chỉ tiêu phấn đấu 90% trở lên nữ đoàn viên, NLĐ khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và 55% trở lên nữ đoàn viên, NLĐ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

100% các LĐLĐ tỉnh, thành phố có khu công nghiệp triển khai hoạt động tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non. Phấn đấu mỗi CĐCS có ít nhất 1 hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, NLĐ, trẻ em là con đoàn viên, NLĐ.

Ban Nữ công đã cụ thể thành một chỉ tiêu của nhiệm vụ công tác nữ công hằng năm.

Thực hiện những chỉ tiêu này, các cấp sẽ có kế hoạch để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nữ CNVCLĐ, đặc biệt tập trung vào các dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929-28.7.2024) và 75 năm thành lập Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN (1949-2024).

Ban Nữ công CĐ các cấp cần chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng và dự báo tình hình đời sống, việc làm của nữ đoàn viên, NLĐ để kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, bức xúc của lao động nữ (LĐN), những bất cập trong thực thi chính sách LĐN, triển khai các mô hình chăm lo phù hợp với LĐN.

Thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho LĐN thông qua đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể.

Ở cấp Tổng LĐLĐVN, việc cụ thể hoá được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Ở cấp Tổng LĐLĐVN tiếp tục triển khai chương trình “Muôn nẻo yêu thương” dành cho nữ đoàn viên, NLĐ năm 2024; hội thảo đề xuất chính sách về nhà ở xã hội cho LĐN di cư; Hội nghị gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt CĐ cấp tỉnh, ngành Trung ương và tương đương và biểu dương “Cán bộ nữ công cơ sở tiêu biểu xuất sắc lần thứ 3” năm 2024. Trong đó có những hoạt động nhằm tư vấn trực tiếp cho LĐN, có những hoạt động chuyên sâu nhằm xây dựng chính sách cho LĐN.

Ngay trong tháng 3 này sẽ diễn ra các hoạt động Ngày hội Việc làm dành cho LĐN năm 2024 và Hội thảo “Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tiếp cận dưới góc độ quyền của LĐN”.

Công tác tham gia xây dựng chính sách được thực hiện như thế nào để thể hiện rõ vai trò của tổ chức CĐ và đáp ứng yêu cầu của LĐN?

- Từ thực tế nhu cầu của LĐN, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo đề xuất chính sách về nhà ở xã hội cho LĐN di cư. Tình hình tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy rõ LĐN di cư - đối tượng yếu thế và gặp nhiều khó khăn khi phải ổn định chỗ ở để duy trì cuộc sống gia đình, chăm sóc con mà vẫn phải đảm bảo yêu cầu của lao động, sản xuất - đang rất cần nhà ở.

Do đó, rất cần thu thập kịp thời đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp về nhà ở cho LĐN di cư, nhất là trong thời gian tới khi Luật Nhà ở có hiệu lực và các Nghị định, hướng dẫn về Luật Nhà ở được xây dựng, ban hành, các chính sách của Tổng LĐLĐVN sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NLĐ, trong đó có LĐN di cư.

Tương tự, việc tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tiếp cận dưới góc độ quyền của LĐN sẽ ghi nhận những ý kiến nhằm đảm bảo quyền lợi cho LĐN được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế hiện nay khi một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã không còn phù hợp.

Chúng tôi hy vọng rằng, các chính sách dành cho LĐN trong thời gian tới có hiệu lực sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.

Xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn