MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM Trần Văn Triều cho rằng, nên sửa Luật Công đoàn theo hướng CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở là đại diện đương nhiên của NLĐ để khởi kiện doanh nghiệp khi vi phạm quyền lợi NLĐ. Ảnh: Nam Dương

Phân định quyền lợi giữa đoàn viên công đoàn và người lao động

Nam Dương - Phương Ngân LDO | 13/10/2022 10:00
Tại hội nghị góp ý 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012 do LĐLĐ TPHCM tổ chức, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi một số quy định trong Luật Công đoàn để nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn.

Có cán bộ Công đoàn chuyên trách, quan hệ lao động ổn định

Theo LĐLĐ TPHCM, qua 10 năm thực hiện Luật Công đoàn, đã khẳng định được vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, tạo niềm tin, sự gắn bó mật thiết của đoàn viên, NLĐ với tổ chức CĐ, tạo động lực nâng cao năng suất lao động, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Công đoàn còn một số khó khăn, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh, NSDLĐ còn cản trở NLĐ gia nhập, thành lập và hoạt động CĐ vì cho rằng đơn vị phải chi phí tốn kém bảo đảm cơ sở vật chất cho CĐ hoạt động, trả lương cho cán bộ công đoàn (CBCĐ) trong thời gian nghỉ làm việc để hoạt động CĐ...

Ông Phạm Văn Hiền - Phó Chủ tịch CĐ các KCX&CN TPHCM - cho biết, Luật Công đoàn 2012 tuy có quy định về thời gian làm việc của CBCĐ, nhưng chưa quy định nơi làm việc của CĐ trong doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp còn chưa tuân thủ quy định về thời gian làm việc của CBCĐ được quy định trong Luật Công đoàn. Cũng theo ông Hiền, ở nơi nào có CBCĐ chuyên trách thì hoạt động CĐ thuận lợi, quan hệ lao động  ổn định. Tuy nhiên, số lượng CBCĐ chuyên trách còn ít, do đó cần tăng cường số lượng CBCĐ chuyên trách để giúp cho quan hệ lao động ngày càng tốt hơn.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Văn Tài - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp - cũng nhận định, ở doanh nghiệp nếu có CBCĐ chuyên trách thì quan hệ lao động rất ổn định. Dẫn chứng từ 1 doanh nghiệp trên địa bàn quận Gò Vấp từng xảy ra nhiều tranh chấp lao động nhưng sau khi có CBCĐ chuyên trách thì không còn tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Vì thế, theo ông Tài, cần có lộ trình bố trí CBCĐ chuyên trách ở những doanh nghiệp có đông lao động.

Bên cạnh đó, cần phải phân biệt quyền lợi giữa đoàn viên CĐ và NLĐ để khuyến khích NLĐ gia nhập CĐ. Theo ông Tài, kinh phí CĐ phải chủ yếu để chăm lo cho đoàn viên, còn NLĐ phải có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì sẽ được CĐ hỗ trợ. “Nếu không có sự phân biệt rõ ràng giữa quyền lợi của NLĐ và đoàn viên CĐ thì nhiều NLĐ sẽ không tham gia CĐ vì đằng nào cũng được chăm lo”, ông Tài nói.

Tăng cường quyền của công đoàn

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề cập đến việc thực hiện quyền của tổ chức CĐ. Ông Tài cho rằng nếu doanh nghiệp nợ lương, BHXH của NLĐ hoặc nợ kinh phí CĐ thì CĐ chỉ có quyền kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không đóng kinh phí CĐ nhưng không bị xử phạt, dẫn đến vai trò của CĐ bị mờ nhạt.

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM - nhận xét, Luật Công đoàn đã có nhiều điều quy định về quyền của CĐ, nhưng trên thực tế còn một số vướng mắc và nhiều nơi CĐ còn chưa thực hiện hết quyền của mình. Ngoài ra, cần quy định sửa Luật Công đoàn tương thích với Luật BHXH để tạo điều kiện thuận lợi cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở kiện doanh nghiệp nợ BHXH.

“Doanh nghiệp nợ BHXH thì CĐCS khó kiện doanh nghiệp vì còn bị ảnh hưởng việc làm, tiền lương, thu nhập. Nhưng nếu CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở kiện doanh nghiệp thì từng NLĐ của doanh nghiệp đó phải làm giấy ủy quyền, nên thực tế rất khó khăn. Vì thế, nên sửa Luật Công đoàn theo hướng CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở là đại diện đương nhiên của NLĐ để khởi kiện doanh nghiệp khi vi phạm quyền lợi của NLĐ”, ông Triều kiến nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh - nêu thực tế tại địa phương với doanh nghiệp cố tình chây ỳ không nộp kinh phí CĐ, LĐLĐ huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng để khởi kiện và đã thu được một số kết quả. Còn với tình trạng doanh nghiệp không đóng BHXH, thì khó thực hiện khởi kiện được do theo quy định hiện hành, NLĐ bị nợ BHXH phải làm ủy quyền cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở thì mới khởi kiện được. Trong khi doanh nghiệp có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lao động thì việc ủy quyền này là hết sức khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn