MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nữ được chăm sóc sức khỏe qua mô hình “Sức khỏe của bạn”. Ảnh: Cẩm Tú

Phát huy vai trò ban nữ công công đoàn các cấp

CẨM TÚ LDO | 08/03/2024 10:12

Công tác chăm lo dành riêng cho lao động nữ luôn được ban nữ công công đoàn các cấp quan tâm. Tuy nhiên, thực tế ở một số nơi vẫn còn hạn chế, đòi hỏi có sự đổi mới, có giải pháp tích cực hơn để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ.

Thụ hưởng nhiều lợi ích từ Công đoàn

Theo ông Nguyễn Nhật Tiến - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang, Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh đã tích cực tham mưu ban chấp hành, ban thường vụ triển khai kịp thời các văn bản, tổ chức các hoạt động đặc thù về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động nữ công.

Công tác thành lập ban nữ công quần chúng tại các CĐCS, nhất là CĐCS doanh nghiệp được quan tâm, đến nay đã thành lập 14 ban nữ công quần chúng cấp trên trực tiếp cơ sở, 960 ban nữ công quần chúng ở các CĐCS với 3.043 ủy viên, đạt trên 200% so với chỉ tiêu Tổng LĐLĐVN giao. Trong đó, có 85 ban nữ công quần chúng CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, pháp luật lao động, Luật Công đoàn và các chính sách liên quan trực tiếp đến lao động nữ tại các doanh nghiệp, các tổ tự quản nhà trọ công nhân qua hình thức gameshow, hội thi… Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề bình đẳng giới, kỹ năng làm cha làm mẹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ưu tiên xét hỗ trợ nhà “Mái ấm Công đoàn” cho lao động nữ doanh nghiệp ngoài Nhà nước...

Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt lao động nữ được thụ hưởng các quyền lợi với số tiền trên 10 tỉ đồng.

Tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thuyết phục chủ doanh nghiệp ký các điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ, cao hơn so với quy định của pháp luật.

Ở các doanh nghiệp, ngoài các chế độ theo quy định, ban nữ công CĐCS còn đề nghị và được chủ doanh nghiệp trợ cấp thêm cho lao động nữ khi sinh con hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn cho lao động nữ lớn tuổi hoặc đang trong thời kỳ thai sản;…

Tiếp tục quan tâm đến lao động nữ

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản, may mặc gặp nhiều khó khăn, thu hẹp sản xuất, lao động thiếu ổn định, sụt giảm tiền lương… ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của lao động nữ.

Một số ban nữ công chưa phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, do hoạt động kiêm nhiệm, tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Một số đơn vị không có nhiều hoạt động chăm lo thường xuyên, liên tục mà chỉ tổ chức các hoạt động nữ công tập trung vào dịp kỷ niệm 8.3 và 20.10…

Ông Nguyễn Nhật Tiến cho biết, để lao động nữ, trẻ em con đoàn viên, người lao động luôn được quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức tọa đàm để phân tích, trao đổi, nhận thấy rõ được vai trò và tầm quan trọng của ban nữ công quần chúng tại các CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, làm rõ thực trạng về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của ban nữ công.

“Các cấp Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung vào các nội dung: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các văn bản có liên quan trực tiếp đến lao động nữ, về bình đẳng giới.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng và kiến nghị các cấp chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp trong thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nội dung, hình thức hoạt động nữ công phải tiếp tục đổi mới để phù hợp với tâm lý, đối tượng, khả năng tham gia của nữ lao động nữ…” - ông Tiến chia sẻ.

Lao động nữ trên địa bàn tỉnh An Giang chiếm trên 48% tổng số đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước có 17.268 đoàn viên, sinh hoạt tại 216 CĐCS, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thủy sản và may mặc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn