MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hoá, cụm trưởng thi đua phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.H

Phát triển đoàn viên Bắc Trung Bộ: Tích cực nhưng còn nhiều băn khoăn

Xuân Hùng LDO | 19/05/2022 16:34

Thanh Hoá - Ngày 19.5, tại Sầm Sơn (Thanh Hoá), cụm thi đua LĐLĐ các tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức Hội nghị chuyên đề “Đổi mới công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở giai đoạn 2022 – 2023”. Tại hội nghị, lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh trong khu vực đều cho rằng, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) có nhiều phát triển nhưng cũng còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: X.H

Chủ động, tích cực, hiệu quả

Cụm thi đua khu vực Bắc Trung Bộ bao gồm LĐLĐ các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa lý, khí hậu.

Đến nay, tổng số DN trên địa bàn là 15.596 đơn vị, trong đó có 182 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số công nhân viên chức trên địa bàn là 769.783 người, trong đó, đoàn viên công đoàn là 702.548 người, đạt 91,2%.

Thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS giai đoạn 2018 – 2021, những năm qua, LĐLĐ các tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo thực hiện. Kết quả, tổng số đoàn viên phát triển mới cả nước 2 năm (2020, 2021) là 1.543.327 người. Riêng khu vực Bắc Trung Bộ phát triển được 88.350 người trên chỉ tiêu 51.700 người, đạt 190%; chiếm 5,7% kết quả đạt được của cả nước; trong đó phát triển trong các CĐCS mới thành lập là 32.008 đoàn viên.

Việc vận động, tổ chức thành lập CĐCS cũng được tích cực thực hiện. Kết quả trong 2 năm (2020, 2021), số CĐCS được thành lập mới là 408 đơn vị, chiếm 5,8% cả nước; trong đó CĐCS có 25 đoàn viên trở lên là 220 đơn vị, đạt 102% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao.

Thanh Hoá là một trong những tỉnh có kết quả nổi bật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thành lập được 331/300 CĐCS, đạt 110,3%; phát triển đoàn viên mới đạt 54.382/50.000 đoàn viên được giao, đạt 108,7% chỉ tiêu ĐH XIX Công đoàn tỉnh đề ra và hàng năm đều đạt chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao, năm sau cao hơn năm trước.

Bà Trịnh Thị Hoa - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá phát biểu chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: X.H

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Trịnh Thị Hoa – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá cho hay, một trong những nguyên nhân quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động. Theo đó, LĐLĐ tỉnh nắm bắt rất kỹ, giao chỉ tiêu cụ thể tới từng đơn vị, xác định rõ mục tiêu và phương pháp đối với từng đơn vị, doanh nghiệp và có những bước đi hiệu quả dù… hơi ngược một chút, nghĩa là tuyên truyền từ chủ doanh nghiệp trước, tuyên truyền vận động đoàn viên sau. Ngoài những nội dung mang tính lý luận cần phải tìm hiểu tâm lý, đặc điểm nghề nghiệp, ý thích của từng loại hình công nhân, doanh nghiệp và luôn đặt vị trí của mình vào công nhân lao động để vận động. 

Còn nhiều băn khoăn, trăn trở

Tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ còn không ít khó khăn, trăn trở. Theo ông Kha Văn Tám – Chủ tịch LĐLĐ Nghệ An, thu nhập của công nhân trong khu vực còn thấp so các vùng khác. Nguyên nhân một số cuộc ngừng việc là từ đó và đó cũng chính là một lý do khó cho hoạt động công đoàn.

Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.H

“Cán bộ công đoàn cần kiên trì, chân thành, đi một lần không được thì có thể đi nhiều lần, có khi tới 5 lần cho tới bao giờ được mới thôi” – ông Tám nói. Ông Kha Văn Tám cũng cho rằng, các hoạt động công đoàn cần làm sao cho rõ lợi quyền giữa đoàn viên và người không phải đoàn viên, có như vậy người lao động mới tin tưởng và gia nhập công đoàn.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Bảo – Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, thời điểm này là thời gian vàng để vận động đoàn viên, thành lập CĐCS vì trước thời gian cho tổ chức đại diện người lao động hoạt động vào năm 2023. Theo ông Bảo, chúng ta phải vừa phát triển đoàn viên vừa phải củng cố; đẻ đã khó nhưng nuôi càng khó. Để hoạt động CĐCS tốt, ông Bảo cho rằng cần có cơ chế tài chính tốt hơn đối với những cán bộ CĐCS để cán bộ công đoàn không phải cánh tay nối dài của giới chủ.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh cho rằng, nếu không sớm sửa đổi vấn đề phụ cấp cho cán bộ CĐCS sẽ rất khó cho việc phát triển. Việc hạ phụ cấp gây cảm giác như bị xem nhẹ vai trò của họ. Ông Trọng cũng cho hay, nếu việc in thẻ công đoàn không có tác dụng nào khác ngoài việc biểu quyết đại hội thì cần phải xem xét vì tốn kinh phí.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá, cụm trưởng thi đua đánh giá cao chất lượng các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội nghị; đã chỉ rõ những việc làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm và cả những bất cập, điểm nghẽn trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. 

Theo ông Võ Mạnh Sơn, các đại biểu đã phân tích nhiều chiều và thống nhất, công đoàn cần có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực bảo vệ và đem lại quyền, lợi ích cho người lao động. Đó chính là động lực, là nội dung cốt lõi để người lao động tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn. 

"Có bác đã về hưu, đơn vị mời ở lại làm cố vấn, bác ấy không phải đối tượng tham gia công đoàn nhưng bác tự nguyện xin tham gia, đóng đầy đủ các khoản phí, lệ phí vì bác nói: “Bọn bây sinh hoạt vui quá, cho bác tự nguyện tham gia với”.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Trường Thịnh (Quảng Bình).


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn