MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính và các thành viên của Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Quế Chi

Phiên họp thứ ba bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018

Tất Thảo LDO | 07/08/2017 09:48
Sáng 7.8, phiên họp lần thứ 3 Hội đồng Tiền lương Quốc gia bàn về phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 đã diễn ra tại Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH). 

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp. Về phía Tổng LĐLĐVN, đại diện cho người lao động có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính. Về phía đại diện cho người sử dụng lao động có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch HĐTLQG Hoàng Quang Phòng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký liên minh HTX Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Nguyễn Văn Thịnh.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 2, do không tìm được tiếng nói chung (phía đại diện chủ sử dụng lao động vẫn giữ nguyên mức đề xuất là tăng 5%, trong khi đó, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng ít nhất phải hơn mức tăng của năm 2017 (7,3%), cụ thể là 8%), nên phiên họp đã phải dừng theo như đề nghị của Tổng LĐ. 

Tại phiên họp lần thứ 3, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính vẫn giữ nguyên đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2018 không thể thấp hơn mức tăng của năm 2017. Vào năm 2017, mức tăng LTT vùng là 7,3%. 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp trao đổi với Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính trước khi phiên họp diễn ra. Ảnh: Q.Chi 

Trao đổi với phóng viên ngay trước khi phiên họp diễn ra, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết, ngày hôm nay tất cả các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều hy vọng các thành viên sẽ thống nhất được phương án điều chỉnh LTT vùng năm 2018 cuối cùng. Qua 2 phiên họp vừa qua, cả 2 bên, đại diện người sử dụng LĐ và NLĐ đều rất thiện chí.

"Lúc đầu, mức chênh lệch đề xuất của 2 bên rất lớn (8-10%), theo tôi đây là điều bình thường vì khi thương lượng, 2 bên đều có quyền đưa ra ý kiến ban đầu của mình. Đến phiên thứ 2, mức chênh lệch đã giảm xuống chỉ còn 3%. Cả 2 bên đã nhìn nhận từ tất cả khác khía cạnh, như: Mức sống tối thiểu, lạm phát, khả năng chi trả của DN… để đưa ra đề xuất mức tăng của mình" - ông Diệp nói. Ông Diệp cho biết thêm, hơn 1 tuần vừa qua, các bên đã cân nhắc phương án đưa ra cho phiên họp lần này, vì vậy, "chắc hôm nay Hội đồng sẽ thống nhất được phương án tăng LTT vùng năm 2018 để trình Thủ tướng". 

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch HĐTLQG Hoàng Quang Phòng nêu quan điểm vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2018 là 5% và cho rằng mức tăng này đáp ứng được nhu cầu phát triển, năng lực chi trả của DN; tạo dư địa để cho DN phát triển, cạnh tranh. 

Trước đó, phiên họp lần thứ nhất để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng tiền lương quốc gia (Hội đồng) đã được tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Tại phiên họp này, trong khi Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2018 là 13,3% so với năm 2017 (tăng từ 370.000 – 450.000 đồng so với năm 2017) thì đại diện giới sử dụng LĐ chỉ đề xuất xem xét điều chỉnh mức tăng LTT vùng năm 2018 bằng với mức đủ bù trượt giá năm 2017 là dưới 5%.

Phóng viên sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên họp lần thứ 3. 

Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn năm 2017 cho thấy:

Mức chi tiêu tối thiểu của một cá nhân người lao động (được cấu thành từ 3 nguồn chính là chi tiêu cho ăn uống; chi tiêu cho sinh hoạt và chi tiêu cho học tập, giải trí) trung bình là 3.860.000 đồng/người/tháng. Trong đó tiền ăn: 1.587.000 đồng/tháng; tiền cho sinh hoạt:1.286.000 đồng/tháng; tiền chi cho học tập, giải trí: 987.000 đồng/tháng.

Xếp theo vùng thì mức chi tiêu tối thiểu tại vùng I là 4.199.000 đồng/người/tháng; vùng II là 3.826.000 đồng/người/tháng; vùng III là 3.683.000 đồng/người/tháng và vùng IV là 3.347.000 đồng/người/tháng.

Mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình có 4 người (2 người lao động nuôi 2 con) là 9.072.000 đồng/tháng. Trong đó, tại vùng I là 9.841.000 đồng/tháng; vùng II là 8.889.000 đồng/tháng; vùng III là 8.225.000 đồng/tháng và vùng IV là 7.478.000 đồng/tháng.

Tính trung bình thu – chi của người lao động, kết quả cho thấy chỉ có 16,1% người lao động có tiết kiệm, dư dật; 51,3% đủ trang trải cho cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằng tiệm; 12,0% thu nhập không đủ sống và người lao động phải làm thêm những công việc khác ngoài doanh nghiệp.

Nhìn chung đời sống của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập chỉ vừa đủ cho các khoản chi phí sinh hàng ngày, người lao động hầu như không còn dư dật để mua sắm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biết là đối với lao động nhập cư, họ phải thuê nhà để ở[1], sử dụng điện nước với giá cao không được ưu đãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn