MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phổ biến Bộ luật Lao động đến cán bộ LĐLĐ các tỉnh, thành khu vực phía Nam

Thành Nhân LDO | 24/11/2020 13:03
Tổng LĐLĐ Việt Nam phổ biến đến cán bộ LĐLĐ các tỉnh, thành khu vực phía Nam về những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019.

Nằm trong chương trình hội nghị phổ biến các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và Bộ luật Lao động năm 2019 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TP.Cần Thơ, ngày 24.11, các đại biểu tiếp tục trao đổi 2 tham luận:

Những nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động năm 2019 về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp lao động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn và vấn đề nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - trình bày tham luận: "Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn và vấn đề nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế". Ảnh: Thành Nhân

Bà Bùi Thị Thỏa - Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, trong đó có các nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định như thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần, đã bỏ quy định trong luật về thời gian làm việc không quá 6 giờ đối người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bổ sung quy định về trách nhiệm người sử dụng lao động bảo đảm giới hạn, thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, độc hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan,...

Bà Bùi Thị Thỏa - Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - trình bày tham luận những điểm mới Bộ luật Lao động năm 2019 tại hội nghị. Ảnh: Thành Nhân

Theo bà Thỏa, hiện tại có các loại tranh chấp lao động gồm: Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại; Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - trình bày những điểm mới của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ảnh: Thành Nhân

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.

Trong đó, Công đoàn cơ sở là thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam được thành lập ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Việc thành lập, giải thể, tổ chức và hoạt động của Công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn, còn tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

Tổ chức đại diện người lao động đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn