MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động sản xuất tại Cty Mỹ Phong (Trà Vinh). Ảnh: TL

Phối hợp tìm việc làm cho CNLĐ

TRẦN LƯU LDO | 12/02/2019 20:16

Đã có hàng chục ngàn việc làm mới đang chờ đợi công nhân. Trong khi đó, Cty Mỹ Phong cam kết sẽ nhận lại số CNLĐ mất việc khi Cty này khôi phục sản xuất.

Cty TNHH Giày da Mỹ Phong có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc), được thành lập năm 2005, chủ yếu sản xuất giày nữ xuất khẩu qua thị trường Âu, Mỹ. Cty có 3 phân xưởng đặt tại huyện Tiểu Cần và huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tổng số lao động hiện có của Cty là 19.857 người, trong đó ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là 15.635 người, xác định thời hạn là 4.222 người. Vừa qua, do khách hàng lớn nhất của Cty Mỹ Phong (một doanh nghiệp nước ngoài, chiếm hơn 70% tổng số lượng đơn hàng) có nguy cơ phá sản, đã gây thiệt hại cho Cty Mỹ Phong số tiền rất lớn và buộc Cty Mỹ Phong phải thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến phải giảm bớt 10.142 lao động.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Mỹ Phong. Ảnh: PV

Đến 9h30 phút ngày 31.1, Cty Mỹ Phong đã thực hiện xong việc chi trả các khoản tiền lương, tiền thưởng tết, tiền lương ngừng việc trước khi chấm dứt hợp đồng lao động và tiền trợ cấp mất việc cho người lao động có thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bà Thạch Thị Thu Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trà Vinh cho biết: Qua thống kê, các doanh nghiệp tìm đến Trà Vinh tuyển dụng lao động lên đến khoảng 20.000 người. Trong đó, nhu cầu của các doanh nghiệp trong tỉnh là trên 8.000 người; ngoài tỉnh là trên 11.000 người. Dự kiến trong ít ngày tới, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm cho CNLĐ bị mất việc. Trong đó sẽ ưu tiên tuyển dụng cho doanh nghiệp trong tỉnh. “Tỉnh luôn quan tâm và hỗ trợ tối đa cho CNLĐ tìm việc làm mới, nhưng chuyện CNLĐ có muốn đi xa để làm việc hay không còn phụ thuộc vào chính họ” - bà Hà nói.

Theo tìm hiểu, sau khi nghỉ việc tại Cty Mỹ Phong, một số CNLĐ đã tìm được việc làm mới tại các doanh nghiệp thuộc KCN tỉnh Trà Vinh. Một số khác tìm việc làm bán thời gian hoặc đi làm thuê, làm mướn cầm chừng với hy vọng trở lại Cty Mỹ Phong làm việc.

Anh Kiên Giảng (26 tuổi, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh) cho biết: “Em mong muốn được tiếp tục làm việc tại Mỹ Phong vì gần nhà, tiện cho việc chăm sóc con cái và gia đình. Còn nếu như Cty không tuyển lại nữa thì sẽ tính đến việc làm việc tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM vì bản thân không có đất sản xuất, không có tay nghề gì khác”. Nữ công nhân Diệp Thị Mỹ Xuyên (19 tuổi, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú) nói: “Nguyện vọng của em cũng là muốn được tiếp tục làm việc tại Cty Mỹ Phong vì gần nhà. Nếu như Cty không tuyển nữa cũng chưa biết phải làm việc gì, chưa có kế hoạch cụ thể cho tương lai. Nghe nói tỉnh sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm, em sẽ đến tìm hiểu và quyết định sau”. Còn nữ công nhân Lâm Thị Tường Duy (21 tuổi, xã Thanh Sơn, Trà Cú) chia sẻ: “Bản thân em sẽ chủ động đi tìm việc làm mới, nếu được làm ở những chỗ gần nhà như huyện Châu Thành hay TP.Trà Vinh thì quá tốt. Nếu không tìm được chắc phải học nghề gì đó chứ không đi làm xa được vì cha mẹ già không ai chăm sóc”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Cty Mỹ Phong gọi sự cố vừa qua là một “cuộc chảy máu chất xám” bất khả kháng do rủi ro trong kinh doanh. Bởi trong số hơn 10.000 CNLĐ bị mất việc, có đến 3.000 người thuộc loại lao động có tay nghề cao với thâm niên hơn 10 năm làm việc. Dự kiến, tháng 6 tới đây, Cty sẽ dần khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu có tuyển dụng, chắc chắn sẽ ưu tiên tuyển dụng số CNLĐ này. 

Ngày 11.2, bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, ngay khi sự việc xảy ra đã có 2 DN hoạt động trong lĩnh vực giày da trên địa bàn tỉnh Bình Dương liên hệ với LĐLĐ tỉnh, đề nghị LĐLĐ tỉnh kết nối với LĐLĐ tỉnh Trà Vinh để 2 DN này xuống làm việc với CĐ cơ sở và công nhân. 2 DN này mong muốn sẽ tiếp nhận toàn bộ anh chị em công nhân vào làm việc ngay sau Tết Nguyên đán. Bà Hạnh chia sẻ: “Tôi nghĩ, hơn 10.000 công nhân làm việc ở Cty Giày da Mỹ Phong đa phần là người địa phương hoặc các khu vực lân cận, cho nên để anh chị em có thể đi xa, phía CĐ có đề nghị với các DN muốn tiếp nhận, nên có chính sách hỗ trợ về nhà ở, đi lại thời gian đầu cho anh chị em, có như vậy mới khuyến khích, động viên anh chị em đi từ Trà Vinh lên Bình Dương làm việc. Sau Tết, DN vẫn còn nhu cầu tiếp nhận thì CĐ sẽ tiếp tục hỗ trợ”. L.TUYẾT

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn